Bài học về thu hút và trọng dụng nhân tài của Bác Hồ

Nguyễn Quỳnh Chủ nhật, ngày 03/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản lớn của dân tộc và thời đại. Trong đó, tư tưởng của Người về trọng dụng nhân tài có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Bình luận 0

 Đó là "kim chỉ nam" định hướng quý báu để Đảng và Nhà nước ta hoạch định và thực hiện quan điểm, chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nhân tài và coi đó là một động lực rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong bài viết: "Anh hùng và chiến sĩ trí thức", Người cho rằng: "Dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình, nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, họ được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và đoàn thể nêu cao". Từ đó, Người kêu gọi tìm người tài đức và trọng dụng nhân tài.

gop/Bài học về thu hút & trọng dụng nhân tài của Bác - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3/1964). Ảnh: TTXVN

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiều quan điểm mới trong thu hút và trọng dụng nhân tài một cách toàn diện, trong đó nhấn mạnh phát huy sức mạnh tổng hợp của con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. "Có cơ chế để đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài" để tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nhân tài phải là người hội tụ cả "Đức" và "Tài"

Đề cập sự thống nhất đức và tài của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Có tài phải có đức". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng, bởi vì "đạo đức là gốc của người cách mạng". Người khẳng định: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"; và "Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không".

Trong mối quan hệ đó thì đức phải được đặt lên hàng đầu: "Đức phải có trước tài", đức là "gốc". Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì "có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước". Bên cạnh đó, Người cũng nói rõ: "Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai".

Với các quan điểm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tìm kiếm những "người tài đức" và động viên họ mang hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cùng với việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, một vấn đề quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là việc sử dụng nhân tài.

Trong bài viết "Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân" đăng trên báo Cứu quốc số 58 ra ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: "Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ".

Là người "ngôn hành hợp nhất", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật dùng người với những lựa chọn, quyết định táo bạo mà sáng suốt. Chính phủ do Người đứng đầu luôn quy tụ rất nhiều nhân sỹ, nhân tài ngoài Đảng.

Xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp...

Liên quan đến chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến trình cấp có thẩm quyền trong năm 2023.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự kiến đề án bao gồm các chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng nhân tài, đặc biệt lưu ý đến việc bố trí công việc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với tài năng, cống hiến của nhân tài cũng như các chính sách đột phá trong quy hoạch, bổ nhiệm đối với nhân tài làm việc trong hệ thống chính trị. Ngoài ra, còn có các chính sách về khen thưởng, tôn vinh; ưu đãi, đãi ngộ nhà ở, chế độ tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, thuế thu nhập cá nhân; chính sách hỗ trợ về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cấp thị thực, cư trú đối với nhân tài Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm việc... Cùng với đó, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đổi mới, cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng năng động, linh hoạt, hiệu quả, thực tài để xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại để nhân tài sau khi được thu hút gắn bó làm việc lâu dài.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra văn bản Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc số 411. Người mời ra làm việc và trọng dụng một số quan lại cao cấp của chính quyền cũ như Thượng thư Bộ hình Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Đổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe...

Nhờ biết phát hiện, trọng dụng những người có tài năng, đức độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, trong một thời gian ngắn phải đối phó với vô vàn khó khăn về văn hóa - xã hội và nạn thù trong, giặc ngoài, đã xây dựng và ban hành được hệ thống thể chế, kiến tạo được bộ máy, quy tụ và tập hợp được đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc, giúp nước Việt Nam non trẻ vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Luôn nóng vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài

Thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta là chủ trương đã được Đảng, Nhà nước đặt ra và quan tâm từ lâu nhưng đến nay vẫn là vấn đề thời sự và ngày càng trở nên cấp bách cả về lý luận và thực tiễn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiều quan điểm mới trong thu hút và trọng dụng nhân tài một cách toàn diện, trong đó nhấn mạnh phát huy sức mạnh tổng hợp của con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, "Có cơ chế để đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài" để tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết cũng xác định: "Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài", theo Nghị quyết thì đây chính là mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Đặc biệt, cùng với tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ mới, Nghị quyết được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài.

Thực tế, trên dải đất hình chữ S này "Hào kiệt đời nào cũng có". Cùng với quá trình dựng và giữ nước trong chiều dài lịch sử dân tộc, cha ông ta đã để lại kinh nghiệm quý báu, những tấm gương, những đúc kết của "phép trị nước", đó là tuyển chọn và sử dụng người hiền tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu bài học lịch sử, những quan niệm truyền thống, từ đó thực hiện thành công việc huy động, tập hợp nhân tài, bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện họ trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng, cả trong giai đoạn đấu tranh và kiến thiết đất nước. Sáng suốt, chân thành, khoan dung, độ lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp các nhân tài ngoài Đảng "bung nở" tài năng, tìm thấy ý nghĩa đời mình trong sự hiến dâng cho Tổ quốc.

Nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đặt ra những mục tiêu hết sức lớn lao, việc sử dụng nhân tài ngoài Đảng càng trở nên tất yếu và cấp thiết. Những tư tưởng về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là định hướng quý báu để Đảng và Nhà nước ta hoạch định và thực hiện quan điểm, chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, góp phần quy tụ, phát huy sức mạnh trí tuệ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đất nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem