Bài toán "hóc búa" về thị trường lao động: Doanh nghiệp thực sự cần gì?

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 23/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Có một thực tế là hiện nay 80% lao động trong các doanh nghiệp của chúng ta là lao động phổ thông. Tất cả đều làm việc theo dây chuyền, nếu đào tạo lại thì sẽ đào tạo cái gì. Liệu lao động, doanh nghiệp có nhu cầu không?
Bình luận 0

Đưa học sinh về vừa học vừa làm tại doanh nghiệp gỡ thiếu hụt lao động 

Ngày 22/10, Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp, thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức Tọa đàm: Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Phát biểu tại tọa đàm, TS Trương Anh Dũng - Tổng cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng lao động của các ngành kinh tế. Đồng thời, nó cũng tạo nên những thách thức to lớn về việc làm và kỹ năng nghề của thị trường lao động hiện tại và tương lai.

Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung ứng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục thị trường lao động. Ảnh: GDNN

Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung ứng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục thị trường lao động. Ảnh: GDNN

Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam cũng đã có những giải pháp tốt. Hiện nay, Chính phủ đã có nghị quyết, giao Bộ LĐTBXH đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động. Tuy nhiên, cần cụ thể hơn nữa việc thực hiện giải pháp, nhất là việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực, cung ứng cho thị trường lao động, giúp khôi phục phát triển kinh tế. 

Để khôi phục lại thị trường lao động, tăng cung ứng lao động hậu Covid-19, TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy cho biết Tổng cục GDNN đang xây dựng 2 phương án. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. 

Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500 nghìn học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở GDNN có thể tham gia ngay vào thị trường lao động bằng cách thực tập tại doanh nghiệp.

Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của GDNN. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.

Hai phương án này có ưu điểm là vừa có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thiếu lao động, vừa đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên.

"Tôi cho rằng cần phải đổi mới sáng tạo trong đào tạo. Ngoài việc thống kê, lên danh sách người học, cần phải thống kê sự thiếu hụt các kỹ năng cụ thể của từng lao động để có thể soạn bài giảng phù hợp, để đáp ứng nhu cầu người học".

PGS.TS Nguyễn Đức Lân

Cụ thể 3 phương án đào tạo nghề

Trong buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh các vấn đề đào tạo nghề. Cụ thể, hiện nay GDNN đang thực hiện 3 phương án đào tạo nghề: Đào tạo nghề cung ứng lao động cho doanh nghiệp, khôi phục sản xuất trong điều kiện thiếu hụt lao động; Đào tạo thích ứng với chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp 4.0; Đào tạo cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ gói hỗ trợ 4.500 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68.

Bà Đỗ Thúy Hương - Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho biết, thời gian qua dịch bệnh đã khiến hàng trăm doanh nghiệp trong ngành điện tử dừng sản xuất. Hiện nay mới chỉ có 60% lao động trong ngành quay lại làm việc. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử đang đầu tư rất lớn vào thị trường Việt Nam. Nhu cầu nhân lực sẽ tăng rất nhanh.

Tổng cục GDNN tính toán đưa học sinh, sinh viên năm cuối ở cơ sở GDNN về vừa học vừa làm tại DN để tháo gỡ khó khăn về lao động. Ảnh: Học sinh học nghề Cơ khí tại Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội.

Tổng cục GDNN tính toán đưa học sinh, sinh viên năm cuối ở cơ sở GDNN về vừa học vừa làm tại DN để tháo gỡ khó khăn về lao động. Ảnh: Học sinh học nghề Cơ khí tại Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội.

Muốn nắm bắt cơ hội này, chúng ta phải tăng đào tạo, đặc biệt đào tạo nhân lực chất lượng cao để cung ứng cho doanh nghiệp. Tiếp đó là tái đào tạo chuyển đổi việc làm cho lao động trong các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, sản xuất.

Bàn về việc thực hiện tái đào tạo lao động theo nguồn từ quỹ BHTN, PGS TS Nguyễn Đức Lân - Uỷ viên Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp, thuộc Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, vấn đề tổ chức đào tạo nghề không khó, vì chúng ta có kinh nghiệm.

"Tuy nhiên cần phải đặt câu hỏi vì sao quá trình tái đào tạo nghề theo Nghị quyết 68 từ quỹ BHTN chậm? Sao cả nước mới chỉ có 20 DN đăng ký? Lý do là gì? Phải chăng là tính hiệu quả, tính thiết thực không cao?" - ông Lân đặt vấn đề.

Để trả lời các câu hỏi này, theo ông Lân cần phải đào tạo hướng "cầu". Tức là đào tạo đúng yêu cầu doanh nghiệp cần, cái lao động thiếu. Thực tế hiện nay chúng ta vẫn đào tạo theo hướng 1 giáo trình, dạy theo những gì cơ sở GDNN có, kết thúc khóa học, học sinh nhận chứng chỉ là xong.

Có một thực tế là hiện nay 80% lao động trong các doanh nghiệp của chúng ta là lao động phổ thông. Tất cả đều làm việc theo dây chuyền, nếu đào tạo lại thì sẽ đào tạo cái gì. Liệu lao động, doanh nghiệp có nhu cầu không?

Ông Lân cho rằng, về lâu dài, để nguồn nhân lực Việt đáp ứng các chuẩn mực của lao động toàn cầu, chúng ta cần một đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp. “Đề án này sẽ giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các chuyên gia có cái nhìn tổng thể về GDNN, từ đó, có các kiến nghị về chính sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bài bản", ông Lân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem