Bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách sẽ thất thoát hàng chục nghìn tỷ?

Trần Giang Thứ hai, ngày 29/05/2017 10:10 AM (GMT+7)
Bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách là một trong những nội dung của Nghị quyết xử lý nợ xấu mà Chính phủ vừa trình Quốc hội đang gây tranh cãi. Nhiều ý kiến lo ngại quy định này sẽ dễ bị lợi dụng, hợp thức hoá sai phạm, thậm chí có thể làm thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng Nhà nước.
Bình luận 0

Đừng tạo bất an cho xã hội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TP.HCM, nghi ngờ thuật ngữ “bán theo giá thị trường” hay “thấp hơn giá ghi sổ”. Vì như vậy cũng dễ bị lợi dụng, đem lại lợi ích cục bộ cho một số đối tượng, hợp thức hóa sai phạm.

“Ví dụ như, một mảnh đất có giá trị vài trăm triệu đồng nhưng khi thế chấp ngân hàng được đẩy giá lên hàng tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng. Nay nếu quy định bán thấp hơn giá ghi sổ thì sẽ hợp thức hóa cho sai sót”, đại biểu Tâm nêu ví dụ.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình, đoàn Hà Nội, cho rằng tài sản nợ xấu không phải cái gì cũng thấp, mà còn bán được gấp mấy lần.  

Theo đại biểu Bình, việc thực hiện bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách cần được xử lý theo từng hợp đồng, những hợp đồng tự nguyện thì xử lý cũng tự nguyện. Hay nguồn gốc quá hạn của tài sản đảm bảo, có những dự án hiệu quả nhưng tài chính có rủi ro về mặt thị trường, pháp lý, họ cũng làm ăn tử tế thôi nhưng rủi ro biết làm sao được.

“Nông dân cầm cố nhà cửa để kinh doanh nông nghiệp, cái nhà đó nếu ta phát mại thì lấy được tiền, xử lý được nợ xấu nhưng có cảm giác như ta cướp đi nơi sống của họ. Nên cũng cần phải xem như thế nào”, đại biểu Bình băn khoăn.

Theo đại biểu Bình, hướng xử lý những tài sản đảm bảo phải chỉnh lý như thế nào để tòa xử lý được nhanh hơn. Khi ra tòa thì người dân được nói hết, hội đồng thẩm phán phải minh bạch công khai, khi phán quyết mới có được quyết định toại nguyện hơn.

“Nghị quyết ra đời cần phải có những hướng dẫn về mặt nguyên tắc để tránh khiếu kiện, hiểu nhầm. Nếu chỉ có Nghị quyết như thế này thì có thể xử lý được một số vấn đề nhưng vẫn có thể tạo ra những bất an trong xã hội”, đại biểu Bình bình luận.

Nút thắt xử lý nợ xấu

Về việc bán nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lưu ý phải theo nguyên tắc thị trường. “Đã bán nợ xấu thì phải theo nguyên tắc thị trường. Phải đấu giá công khai, minh bạch. Không thể tài sản người ta trị giá một tỉ đồng mà chỉ định giá có 600, 700 triệu”, Chủ tịch Quốc hội nói.

img

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: Đàm Duy)

Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi chấp nhận nguyên tắc thị trường trong việc bán nợ xấu, thì giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ. “Đây là vấn đề giải quyết nút thắt xử lý nợ xấu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Người đứng đầu Quốc hội cho rằng, Nghị quyết xử lý nợ xấu ban hành không phải để hợp pháp hóa các hoạt động trái pháp luật mà nhằm giải quyết khó khăn của các tổ chức tín dụng.

Trước ý kiến lo ngại quy định này sẽ dễ bị lợi dụng, hợp thức hoá sai phạm, thậm chí có thể làm thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng Nhà nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Bình, đoàn Quảng Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, phân tích với những khoản nợ xấu, ngân hàng đã phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 80% từ lợi nhuận của mình, tương đương 80 tỷ đồng cho khoản vay 100 tỷ đồng.

“Giờ đây với tài sản đảm bảo kia chỉ cần bán được 20 tỷ đồng là hòa vốn, nếu bán được 50 tỷ đồng thì họ đã đưa được vào lợi nhuận 30 tỷ đồng; nên họ sẵn sàng bán giá thấp và điều này không ảnh hưởng gì đến họ cả, chứ không phải bán thấp như vậy là ăn hụt vào tiền của dân”, ông Bình phân tích thêm.

Thậm chí tài sản 100 tỷ đồng, nợ lại 100 tỷ đồng, nếu có khách hàng trả 80 tỷ đồng, nếu bình thường ta tính là bị lỗ 20 tỷ đồng. “Nhưng ở đây phải nghĩ, nếu không bán cho khách hàng này thì không thu được 80 tỷ đồng là rõ rồi, nhưng quan trọng hơn là sẽ không bán được cho ai khác, 5 hay 10 năm sau cũng không bán được. Vậy thì tốt nhất nên bán để thu 80 tỷ đồng, còn thiếu hụt 20 tỷ đồng sẽ trích lập dự phòng ở các năm sau”, đại biểu Bình phân tích.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Cố vấn cao cấp LienVietPostBank, cho rằng nếu cho suy nghĩ bán tài sản xử lý nợ xấu dưới giá thiệt hại cho  ngân sách là sai, vì bán nợ xấu sẽ giúp khơi thông cục máu đông, tạo ra nguồn vốn mới và lãi suất thấp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này giúp nền kinh tế tăng trưởng, góp phần tăng thu cho ngân sách”, ông Hưởng phân tích.

Ông Hưởng cho rằng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, nếu cứ để cục nợ và đống tài sản không luân chuyển sau này giá xuống tiếp và tài sản thành sắt vụn, đất đai thành giấy, tiền mất tật mang.

img

TS. Nguyễn Đức Hưởng, Cố vấn cao cấp LienVietPostBank (Ảnh: MH)

“Số tiền bán tài sản thấp hơn sổ sách, Nhà nước không hệ chi bổ sung mà các tổ chức tín dụng phải “nhịn ăn” tự bù đắp chi phí bù lại khi nào đủ thì thôi”, ông Hưởng cho biết.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM, cũng cho rằng để giải quyết nợ xấu cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và cơ chế pháp lý đủ mạnh nhằm xử lý vì nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại sẽ đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. Nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền.

Tuy nhiên, điểm khiến ông Ngân lo ngại là tài sản thế chấp cầm cố có còn không bởi vì nếu sau 5 năm không xử lý được thì “nó xấu lắm rồi”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem