Bánh lơ khoải ngọt ngào tình mẹ nơi xứ đá

Hương Huyền Thứ bảy, ngày 03/10/2015 13:01 PM (GMT+7)
Vào những ngày đầu đông, khi những cơn gió heo may lành lạnh thổi về, nếu vô tình ngược ngàn xứ đá Hà Giang, đặt chân nơi chợ phiên Sà Phìn (huyện Đồng Văn), hẳn bạn sẽ bắt gặp ở góc nhỏ bên trái khu vực trung tâm chợ, một sạp hàng giản dị bán những chiếc bánh trắng mỏng, một mặt chiên hơi vàng, khi ăn cùng bột đỗ tương hoặc bột ớt rang muối tạo nên vị ngon lạ kỳ - bánh lơ khoải.
Bình luận 0

Thức bánh ấy có tên gọi bánh lơ khoải (hay lơ khoái), một thức quà truyền thống của đồng bào Mông ở xứ sở đá huyền thoại này. Người ta bảo rằng, từ bao đời nay, cứ đứa trẻ nào xuống chợ Sà Phìn cũng đều ngóng cha, mẹ mua cho bánh lơ khoải bởi vị bánh ngọt ngào như chính tình mẫu tử...

img

Bánh lơ khoải bán ở chợ Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang.  (Ảnh: H.H)

Nhiều người Mông ở Sà Phìn giải thích thêm rằng, sở dĩ cứ nhắc đến bánh lơ khoải người ta nghĩ ngay đến tình mẫu tử là bởi những người mẹ ở vùng cao thường nghèo, chẳng mấy khi sắm kịp, sắm đủ quần áo ấm cho các con vậy nên bao giờ trong trái tim họ cũng đau đáu một nỗi trăn trở và việc dành cho những đứa con của mình được ăn chiếc bánh mềm, dẻo, thơm vị gạo giã, bùi bùi vị đỗ tương sẽ phần nào giúp chúng quên đi cái lạnh giá của những ngày đầu đông nơi xứ đá.

Bánh lơ khoải cũng làm món ẩm thực dân gian quý báu của đồng bào Mông ở Sà Phìn. Mà theo vốn sống từ nhiều đời truyền lại thì để có được chiếc bánh ngon như ý, người làm phải trải qua khá nhiều công đoạn. Bột bánh được làm chủ yếu từ gạo tẻ, cho thêm một ít gạo nếp để tạo độ dẻo thơm. Gạo được chọn làm bánh phải là gạo được trồng trên nương của huyện Yên Minh, thứ gạo ngon nhất tỉnh Hà Giang, hạt to, tròn đều. Sau khi vo thật sạch, người phụ nữ Mông nấu chín gạo và đổ ra để nguội. Trước đây khi chưa có máy xay, người làm bánh phải giã hạt cơm cho đến nhuyễn bằng cối rất mất công, nay thì chỉ cần cho vào máy xay là hạt gạo đã quyện lại đặc sánh. Sau khi có bột chín, người ta nén thật chặt vào khung bánh để tạo thành một khối bánh rắn chắc hình trụ vuông.

Để có thể thưởng thức hết vị ngon, bùi của bánh, theo kinh nghiệm người ta không rán ngay mà phải đợi khi nào chuẩn bị ăn mới lấy con dao sắc thái 1 lớp bánh mỏng chừng hơn nửa cm từ khối bánh, thả lớp bánh vào chảo dầu đang sôi. Sau chừng 1 - 2 phút bánh chín, người rán sẽ xiên bánh vào que tre và đưa cho người thưởng thức. Gia vị không thể thiếu khi ăn bánh lơ khoải chính là bột đỗ tương rang muối được giã nhỏ.

Kinh nghiệm nhiều đời của đồng bào Mông đã chỉ ra rằng, người ăn tùy sở thích có thể phết ít hay nhiều bột đỗ tương lên bánh nhưng bắt buộc phải có bởi lơ khoải không thể thiếu vị mặn bùi của lớp đỗ tương, vì đó là một phần tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem