Báo Mỹ: Taliban thời nay là "Taliban 2.0", sành sỏi công nghệ

Huỳnh Dũng Thứ năm, ngày 26/08/2021 08:10 AM (GMT+7)
Ngày trước, các thành viên Taliban không biết gì về công nghệ. Giờ đây, Taliban đã biết sử dụng mạng xã hội, truyền hình và máy phát thanh, di động để tuyên truyền luật Hồi giáo theo cách giải thích cực đoan của họ. Từ đó, thuật ngữ Taliban 2.0 đã được ra đời.
Bình luận 0

Taliban: Từ "mù công nghệ" đến ý thức bãi bỏ quan niệm bài trừ công nghệ hiện đại

Thực tế cho thấy, chính quyền Afghanistan sụp đổ chỉ ba tháng sau khi quân đội Mỹ và NATO bắt đầu rút khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm khiến 2.448 binh sĩ Mỹ, 3.846 thành viên thuộc nhà thầu quân sự Mỹ cùng 66.000 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan thiệt mạng. Taliban (nghĩa là "sinh viên" theo tiếng Pashto) đã từng nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1996-2001. Lúc bấy giờ hầu hết các nước đều không công nhận chế độ Taliban. Ủng hộ Taliban mạnh mẽ nhất về quân sự và chính trị chỉ có Pakistan.

Sau khi chiếm quyền kiểm soát Afghanistan, chuẩn bị xây dựng chính phủ mới, Taliban bắt đầu sử dụng mạng xã hội để trấn an tâm lý thường dân đồng thời tiến tới sự công nhận hợp pháp của cộng đồng quốc tế. Ảnh: @AFP.

Sau khi chiếm quyền kiểm soát Afghanistan, chuẩn bị xây dựng chính phủ mới, Taliban bắt đầu sử dụng mạng xã hội để trấn an tâm lý thường dân, đồng thời tiến tới sự công nhận hợp pháp của cộng đồng quốc tế. Ảnh: @AFP.

Trong 5 năm cầm quyền giai đoạn cuối thập niên 1990, chế độ Taliban hoạt động dựa trên cách giải thích cực đoan theo luật Hồi giáo Sharia. Phụ nữ phải trùm kín mặt; bị cấm làm việc, học tập, tham gia chính trị; không được ra khỏi nhà khi không có người thân nam giới đi kèm.

Đàn ông buộc phải để râu và đội mũ hoặc đội khăn xếp. Âm nhạc và nhiều môn giải trí khác đều bị cấm. Ai không tuân thủ quy định có thể bị đánh roi hoặc bị sỉ nhục nơi công cộng, riêng phụ nữ đôi lúc phải trả giá bằng mạng sống. Sau khi liên quân do Mỹ đứng đầu tiến vào Afghanistan năm 2001 lật đổ chế độ Taliban, Afghanistan đã mở cửa với thế giới. Trẻ em thoải mái thả diều và chơi game. Các đôi lứa có thể chơi nhạc trong đám cưới. Phụ nữ rời khỏi nhà đi làm mà không sợ bị ai đánh đập. Nhiều nam thanh niên nếu thích đều có thể cạo râu.

Trên trang The Conversation, chuyên gia Sher Jan Ahmadzai - giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Afghanistan thuộc Đại học Nebraska-Omaha (Mỹ) ghi nhận rằng, dù Taliban và bạo lực vẫn chưa biến mất hoàn toàn khỏi Afghanistan những năm qua nhưng không khí sợ hãi đã tan biến, người dân đã nối lại cuộc sống bình thường.

Nhưng giờ đây, phong trào Taliban đã lên nắm quyền ở Afghanistan và sẽ sớm tuyên bố đất nước này là một Tiểu vương quốc Hồi giáo. Những dấu hiệu đầu tiên mà lực lượng này thể hiện trong những ngày qua đã cho thấy có sự thay đổi nhất định. Và quyết định nắm lấy, thay vì từ chối những tiến bộ xuất hiện trong thế kỷ 21 đã trở thành chìa khóa cho sự sống còn của lực lượng này.

Biết sử dụng điện thoại nắp gập đơn sắc của Nokia, Motorola để đẩy mạnh tuyên truyền, cập nhật tin tức, gửi tin nhắn

Mới đây, nhà báo Tim Culpan đăng trên trang Bloomberg nói về quá trình chấp nhận sử dụng tiến bộ công nghệ của lực lượng Taliban, và cách họ dùng nó để giành quyền kiểm soát tại Afghanistan. Trước đây, các thành viên Taliban không biết gì về công nghệ. Còn bây giờ, Taliban đã biết sử dụng công nghệ để tuyên truyền luật Hồi giáo theo cách giải thích cực đoan của họ cũng như trong chiến đấu.

Thực ra, ban đầu Taliban hình thành ở những vùng nông thôn và khu vực đồi núi hiểm trở của Afghanistan. Họ tham gia vào cuộc chiến giành quyền lực từ năm 1966, đặt mục tiêu khôi phục nhà nước Hồi giáo nguyên thủy như đế chế từng tồn tại từ thế kỷ thứ 7. Đó là mô hình quốc gia nông nghiệp tự cung tự cấp, từ chối mọi công nghệ hiện đại.

Tờ Vice của Mỹ đã gọi Taliban là "Taliban 2.0", khi tổ chức này tỏ ra biết cách tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để gửi đi các thông điệp của mình. Ảnh: @AFP.

Tờ Vice của Mỹ đã gọi Taliban là "Taliban 2.0", khi tổ chức này tỏ ra biết cách tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để gửi đi các thông điệp của mình. Ảnh: @AFP.

Nhưng sau đó, họ đã chuyển sang giai đoạn công nghệ cao vào khoảng năm 2007. Đó là dấu hiệu cho thấy năng lực thích ứng, học hỏi của Taliban, nghĩa là họ chịu bãi bỏ quan niệm bài trừ công nghệ hiện đại- từng là nguyên tắc cơ bản trong những năm 1990, Vanda Felbab-Brown, thành viên cao cấp của Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ tại Viện Brookings cho biết.

Vào năm 2007, khi đã lún sâu vào cuộc chiến tranh với Mỹ, các thành viên Taliban đã biết sử dụng điện thoại nắp gập đơn sắc của Nokia, Motorola để đẩy mạnh tuyên truyền và theo dõi mọi người. Còn lực lượng chiến binh gửi tin nhắn văn bản hàng loạt đến nhiều nhóm người khác nhau, kể cả nhắc nhở "nộp thuế tôn giáo".

Điều trớ trêu là việc Taliban tiếp cận được phương tiện liên lạc hiện đại là nhờ sự trợ giúp vô tình từ Mỹ và đồng minh. Các công ty viễn thông Mỹ và đa quốc gia đã vận hành hệ thống mạng di động, trong khi các angten thu phát do lực lượng NATO xây dựng. Phát ngôn viên thông thạo tiếng Anh của Taliban cũng thường xuyên cập nhật tin tức trên các phương tiện truyền thông phương Tây, gửi tin nhắn và những bản ghi âm trả lời phỏng vấn.

Cách mạng công nghệ thúc đẩy sự trở lại của Taliban. Ảnh: @AFP.

Cách mạng công nghệ thúc đẩy sự trở lại của Taliban. Ảnh: @AFP.

Dùng công nghệ đẩy mạnh chiến tranh

Taliban đã thích ứng bằng cách tiếp nhận và áp dụng công nghệ vào chiến tranh. Vào khoảng năm 2005, họ dùng một chiếc máy bay không người lái gắn camera bí mật được ngụy trang như món đồ chơi điều khiển từ xa để do thám gần biên giới Pakistan.

Không chỉ học hỏi từ kẻ thù, Taliban cũng trao đổi thông tin với những nhóm chiến binh Hồi giáo khác như al-Qaeda, ISIS và Hezbollah. Những lực lượng này dùng sức mạnh kỹ thuật số để chiêu mộ thành viên, đe dọa mục tiêu và kiểm soát tin tức.

Taliban dần đẩy mạnh khả năng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và chiến tranh thông tin trên môi trường Internet

Ban đầu, nhóm này nhận trách nhiệm về những vụ tấn công thông qua trang web, tranh thủ phát tán tin nhắn, video đến thế giới bên ngoài trước khi các chính phủ phương Tây kịp ngăn chặn.

Đến khi mạng xã hội phát triển, họ có cách thức tuyên truyền nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa: quay video bằng điện thoại, gửi qua email cho những người ủng hộ hoặc các hãng thông tấn quốc tế, sử dụng các nền tảng chia sẻ thông tin, liên lạc phổ biến như YouTube, Facebook, Twitter, Telegram và WhatsApp.

Các chính phủ và tập đoàn công nghệ phương Tây không làm ngơ trước mối đe dọa trực tuyến này. Facebook, Google từ lâu đã cấm tài khoản của Taliban, Twitter chủ trương gỡ bỏ những nội dung chứa bạo lực và kích động thù địch. Tuy nhiên, Taliban có khả năng thích ứng linh hoạt, luồn lách qua bộ máy kiểm duyệt của các gã khổng lồ công nghệ, và hiện diện ngày càng nhiều trên những nền tảng mạng xã hội phổ biến khác.

Gần đây, Taliban bắt đầu sử dụng mạng xã hội để trấn an tâm lý thường dân đồng thời tiến tới sự công nhận hợp pháp của cộng đồng quốc tế. Tờ Vice của Mỹ đã gọi Taliban thời này là "Taliban 2.0", khi tổ chức này tỏ ra biết cách tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để gửi đi các thông điệp của mình.

Họ tăng cường hiện diện trên Twitter, dùng WhatsApp nhắn tin trao đổi với cư dân địa phương và những người bên ngoài. Phát ngôn viên Taliban sử dụng Twitter để gửi đi cam kết tuân thủ nhân quyền và thông điệp hòa giải dân tộc.

Thế giới có thể chấp nhận Taliban là một chính phủ hợp pháp, hoặc không. Còn các công ty truyền thông xã hội sẽ ứng xử ra sao?

Khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan lần đầu tiên sau hơn 20 năm, các công ty truyền thông xã hội rơi vào trong tình thế khó xử: Họ phải tìm cách ứng xử với một lực lượng từng được coi là phiến quân, có liên hệ với khủng bố, nhưng giờ đây đang nắm quyền lãnh đạo cả một quốc gia.

Ngày nay, các nhà lãnh đạo chính trị sử dụng mạng xã hội như một phương tiện quan trọng để giao tiếp và huy động sự ủng hộ. Không chỉ tài khoản cá nhân của các chính trị gia phụ thuộc vào các nền tảng như Facebook, Twitter và YouTube, mà còn là tài khoản chính thức của các cơ quan chính phủ. Và nếu Taliban trở thành một chính phủ được quốc tế công nhận - bất kể hồ sơ hỗ trợ khủng bố và vi phạm nhân quyền đến mức nào, thì các công ty truyền thông xã hôi phải đối mặt với một loạt câu hỏi khó. Họ sẽ tiếp tục coi Taliban là một tổ chức nguy hiểm, hay cho họ cơ hội điều hành chính phủ mới trên mạng xã hội?

Taliban ngày nay có sự hiện diện tinh vi trên mạng xã hội. Họ đã khai thác các nền tảng trực tuyến như một công cụ tuyên truyền và hiện đang sử dụng nó như một cách khéo léo để quản lý. Ảnh: @AFP.

Taliban ngày nay có sự hiện diện tinh vi trên mạng xã hội. Họ đã khai thác các nền tảng trực tuyến như một công cụ tuyên truyền, và hiện đang sử dụng nó như một cách khéo léo để quản lý. Ảnh: @AFP.

Emerson Brooking, chuyên gia cao cấp nghiên cứu về truyền thông xã hội và an ninh quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến những cuộc cách mạng trong thời đại truyền thông xã hội; chúng tôi đã thấy các cuộc đảo chính. Nhưng chúng tôi chưa thấy trường hợp nào mà lực lượng nổi dậy nội bộ hoà nhập thành công vào một nhà nước, và tìm cách tiếp quản các chức năng của nhà nước đó".

Theo Brooking, Taliban trước đây đã bị cấm trên các nền tảng mạng xã hội, vì những gì họ đăng tải phần lớn là nội dung về các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào binh lính Mỹ.

Nhưng lúc này cuộc chiến với Mỹ đã kết thúc, Taliban đang chuyển sang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho hoạt động điều hành: cung cấp dịch vụ cho công dân trong các nhóm WhatsApp, sử dụng Twitter để đưa ra các tuyên bố báo chí bằng tiếng Anh, và đảm bảo với công chúng Afghanistan rằng họ sẽ không gây ra những tổn hại tương tự như vào thập niên 1990.

Sau khi nhanh chóng giành lại quyền lực, Taliban tuyên bố sẽ thay đổi và hứa hẹn một cách tiếp cận hòa bình hơn. Tuy vậy nhiều người Afghanistan đang cảnh giác với lời hứa đó, và các công ty truyền thông xã hội cũng có lý do chính đáng để hoài nghi.

Cho đến nay, Facebook và YouTube vẫn cấm Taliban sử dụng các nền tảng của họ, theo chính sách trừng phạt của Mỹ. Twitter không có lệnh cấm nhưng cho biết họ gỡ bỏ từng phần nội dung bạo lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiều công ty truyền thông xã hội có thể nới lỏng các quy tắc đối với Taliban nếu nhóm này giành được sự chấp nhận hợp pháp từ cộng đồng quốc tế. 

Nói cách khác, các tập đoàn công nghệ sẽ tiếp tục cấm Taliban xuất hiện cho đến khi phía Mỹ và quốc tế thay đổi quan điểm. Tuy nhiên, cả khi không thể dùng YouTube, Facebook hoặc Twitter, Taliban vẫn tiếp tục trao đổi thông tin, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua ứng dụng mã hóa đầu cuối như Telegram, WhatsApp. Người phát ngôn của Taliban đã phàn nàn rằng, Facebook đang kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận bằng cách gỡ một số tài khoản của nhóm. 

Dù vậy, cuộc tranh luận về việc liệu Taliban có nên được phép hoạt động trên các nền tảng xã hội hay không cũng đang thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của truyền thông xã hội trong nền chính trị toàn cầu.

"Sau khi cấm Tổng thống Trump, đây là bài kiểm tra đầu tiên với các công ty này về cách họ áp dụng các quy tắc của mình trên phạm vi quốc tế", ông Katie Harbath, cựu giám đốc chính sách công cộng tại Facebook, hiện là thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem