Bão “quỷ bụi” được phát hiện bởi tàu thăm dò sao Hỏa của NASA

Bạch Ngân Thứ bảy, ngày 02/07/2022 09:55 AM (GMT+7)
Tàu thăm dò của NASA đã thực hiện việc nghiên cứu về những cơn bão bụi trên hành tinh đỏ và phải đối mặt với những cơn bão “quỷ” khổng lồ.
Bình luận 0

Tàu thăm dò Perseverance của NASA đã hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021 và kể từ đó nó đã thực hiện nhiệm vụ đào bới để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống tại nơi này.

Bên cạnh đất đá và bầu khí quyển của sao Hỏa, tàu thám hiểm đã chứng kiến ​​một số cơn gió bụi dữ dội được gọi là “quỷ bụi” trong miệng núi lửa Jezero. Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã cố gắng kiểm tra các hiện tượng thời tiết mà tàu thám hiểm đã thu thập được trong 216 ngày đầu tiên trên sao Hỏa. Phát hiện này được cho là sẽ có lợi trong việc làm sáng tỏ các quá trình hoạt động của bụi trên sao Hỏa và có khả năng dự đoán các cơn bão bụi trong tương lai.

img

Môi trường khắc nghiệt của sao Hỏa với những cơn bão bụi khổng lồ.

Tàu Perseverance đã phải rất “chật vật” để quay được hiện tượng “quỷ bụi”, khi những cơn gió cực mạnh thổi lên một đám mây bụi khổng lồ. Tàu cũng đã phát hiện được hàng trăm cơn gió bụi khác bằng camera và bộ cảm biến được tích hợp trên thân tàu.

Claire Newman, một nhà nghiên cứu từ Aeolis Research cho biết: “Chúng tôi đã thấy một cơn bão bụi vào tháng 1, và hiện đang ở giữa mùa bụi, vì vậy rất có thể sẽ quan sát được nhiều cơn bão bụi hơn nữa.” Nghiên cứu đã ghi nhận rằng Perseverance đã trải qua ít nhất 4 cơn gió bụi trong 1 ngày trên sao Hỏa.

Các máy ảnh của tàu thăm dò cũng đã ghi lại được 3 sự kiện lớn của bão bụi khi các đám mây bụi lớn tới 4 km vuông được hình thành do gió giật. Những cơn gió giật này có khả năng hút một lượng bụi tương đương hoặc nhiều hơn so với gió lốc.

Newman cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng những luồng gió này không thường xuyên xuất hiện nhưng có thể là nguyên nhân tạo ra một phần lớn bụi nền luôn bay lơ lửng trong bầu khí quyển sao Hỏa.”

Sao Hỏa được biết đến với những cơn bão bụi hoạt động trên khắp hành tinh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy cơn bão bụi trong miệng núi lửa Jezero có tần suất hoạt động lớn hơn rất nhiều. Theo Newman, điều này có thể là do các yếu tố như địa hình gồ ghề đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cuốn bụi theo gió.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem