Bão số 2 khả năng đổ bộ Thanh Hóa, Nghệ An

Nhóm PV Chủ nhật, ngày 16/07/2017 09:06 AM (GMT+7)
Tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang mưa lớn, dự báo bão số 2 (Talas) sẽ đổ bộ thẳng Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
Bình luận 0

Tại thời điểm hiện tại, theo quan sát của các phóng viên Dân Việt, tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mưa đã bắt đầu và nặng hạt, gió khu vực ven biển đã mạnh lên.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, lúc 4h sáng 16.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ vĩ Bắc và 110,1 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đạt cấp 9, tức từ 75 - 90km/giờ, giật cấp 10 - 11.

img

Bản đồ đi của bão số 2 Talas.

Dự báo, đến 16h ngày hôm nay 16.7, tâm bão ở vị trí khoảng 18,5 độ vĩ Bắc và 108,0 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tầm 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, tức là từ 75 - 90km/giờ, giật cấp 10 - 11. Mỗi giờ bão sẽ đi được 15 - 20km, duy trì cấp bão với gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11 khi đi vào đất liền các tỉnh trên.

Thanh Hóa kêu gọi toàn bộ tàu thuyền trên biển vào bờ gấp

Trao đổi với phóng viên Dân Việt về khả năng dự báo cơn bão số 2 (Talas) sẽ tiến thẳng vào Thanh Hóa, Nghệ An, lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho hay, đơn vị này đã triển khai các biện pháp thông báo và kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. 

img

Thanh Hóa kêu gọi toàn bộ tàu thuyền trên biển vào bờ gấp.

Tính đến sáng nay (16.7), toàn bộ 7.375 phương tiện nghề cá của tỉnh, trong đó có 5.690 phương tiện hoạt động trên biển đã được thông tin và đang trên đường vào nơi tránh trú bão. Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thanh Hóa, trong số các phương tiện đang hoạt động trên biển, có 3.978 phương tiện, với 6.126 lao động đang khai thác gần bờ. 1.712 phương tiện với 11.297 lao động đang hoạt động ở các vùng biển của các tỉnh, như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Nghệ An và Hà Tĩnh. 

Bên cạnh việc kêu gọi tàu thuyền trên biển tránh trú bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thanh Hóa yêu cầu các địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Các huyện miền núi chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để bảo đảm an toàn cho người và tài sản….

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem