Bảo vệ dân phố là gì, có quyền hạn ra sao?

PV Thứ bảy, ngày 03/04/2021 15:16 PM (GMT+7)
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức, hoạt động đối với Bảo vệ dân phố được quy định tại Nghị định 38/2006/NĐ/CP.
Bình luận 0

Sau vụ việc bảo vệ dân phố đánh trẻ em tại quận 10, TP.HCM, nhiều độc giả quan tâm bảo vệ dân phố là gì, bảo vệ dân phố có quyền hạn ra sao?

Bảo vệ dân phố là gì, có quyền hạn ra sao? - Ảnh 1.

Vụ việc bảo vệ dân phố đánh trẻ em đang gây bức xúc trong dư luận

Bảo vệ dân phố là gì?

Theo Nghị định 38/2006/NĐ/CP, bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do UBND phường quyết định thành lập.

Bảo vệ dân phố chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng uỷ phường, sự giám sát của Hội đồng nhân dân phường, sự quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân phường và sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp công tác của Công an phường.

Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa của Bảo vệ dân phố để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bảo vệ dân phố là gì, có quyền hạn ra sao? - Ảnh 2.

Theo quy định pháp luật, bảo vệ dân phố lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật hoặc mưu cầu lợi ích cá nhân, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, uy tín của tổ chức thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Bảo vệ dân phố có quyền hạn gì?

Theo quy định, bảo vệ tổ dân phố có các quyền hạn sau đây. 

Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội.

Tham gia với lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.

Nhiệm vụ của bảo vệ dân phố

Điều 5, Chương II của Nghị định 38/2006 có nêu 6 nghĩa vụ của bảo vệ tổ dân phố. 

Trong đó, đáng lưu ý, khi có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trong địa bàn, bảo vệ tổ dân phố phải kịp thời có mặt và tìm mọi cách báo ngay cho Công an phường; bảo vệ hiện trường, tham gia sơ cứu người bị nạn, giải cứu con tin, bắt, giữ người phạm tội quả tang, tham gia chữa cháy, cứu tài sản và thực hiện các công việc khác theo sự phân công, hướng dẫn của UBND và Công an phường.

Bảo vệ dân phố lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật hoặc mưu cầu lợi ích cá nhân, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, uy tín của tổ chức thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị hại theo quy định của pháp luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem