Bất lực con hư, bố mẹ "chôn sống" hay "xích vào cột điện": Thay vì phạt, hãy xin lỗi con

Tào Nga Thứ sáu, ngày 16/04/2021 12:55 PM (GMT+7)
Con không chịu đi học, quá hư hỏng... bố mẹ không nói được liền phạt con xích cổ vào cột điện bêu xấu, thậm chí thuê người chôn sống để dạy cho con bài học. Tuy nhiên, đây không phải là cách dạy con hiệu quả.
Bình luận 0

Phạt con như thời trung cổ

Mới đây, một vụ việc gây chấn động dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh khi ông bố Lạng Sơn xích cổ con trai vào cột điện ven đường. 

Cụ thể, vụ việc xảy ra vào trưa 15/4 tại ven đường quốc lộ 4B, đoạn xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Một bé trai khoảng 10 tuổi ngồi gục ven đường, trên cổ đeo xích bằng sắt quấn vào cột điện. Qua xác minh được biết, đó là bé Đ., học lớp 4, bị bố là anh M. phạt vì lười học.

Phạt con "chôn sống" rồi "xích vào cột điện" như thời Trung cổ, cha mẹ đang thực sự bất lực? - Ảnh 1.

Cháu Đ. bị bố xích cổ vào cột điện.

Theo chia sẻ của anh M., con trai anh lười biếng học hành nên anh giận, xích cổ con để hù dọa, bắt đến trường học tập. Sau 15 phút xích vào cột điện, anh M. đã mở khóa xích cho con và đưa về nhà.

Trước đó, một vụ việc phạt con cũng gây chấn động dư luận không kém. Một nam thanh niên bị nhóm người cởi hết quần áo, dùng dép đánh rồi đào mộ, bịt mặt và chôn sống.

Vụ thanh niên bị "chôn sống": - Ảnh 1.

V. bị cởi quần áo và chôn sống. (Ảnh cắt từ clip)

Đoạn clip ngay sau khi được đăng tải đã có lượng chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Công an nhanh chóng vào cuộc xác minh vụ việc. Người bị chôn sống là em N.Q.V. (17 tuổi, ngụ thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Vụ thanh niên bị "chôn sống": - Ảnh 2.

Bố mẹ V. cho biết do bất lực dạy con nên có nhờ một người răn đe V.

Được biết V. đang học lớp 11 tại một trường THPT trên địa bàn TP.Vinh (Nghệ An). Gần đây, V. bỏ học nhiều ngày liền đi chơi với bạn bè. V. mới trở về nhà vài hôm trước khi có đoạn clip "chôn sống" phát tán trên mạng xã hội. 

Anh H., bố của V. cho biết, con trai mình quá hư hỏng, hai vợ chồng đã dùng nhiều cách khuyên can, dạy bảo con song bất thành. Vì quá bất lực nên mới đây, anh H. nhờ một người cháu có biện pháp răn đe để V. sợ.

Không chỉ riêng 2 trường hợp này mà thực tế, còn có nhiều vụ cha mẹ phạt con khác gây xôn xao dư luận.

Thay vì phạt con hãy xin lỗi con

Chia sẻ với Dân Việt, chuyên gia tâm lý Lê Khanh bày tỏ, hiện nay có một số cha mẹ có hình thức phạt con gây chấn động dư luận, tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận phụ huynh chưa nắm được các phương pháp dạy con. 

Theo chuyên gia Lê Khanh, có rất nhiều sách báo hay hướng dẫn phụ huynh chơi với con, dạy con sao cho đúng... song không phải ai cũng thích đọc và nhất là cha mẹ ở vùng sâu vùng xa khó tiếp cận.

Chuyên gia này nói, nếu cha mẹ gặp khó khăn trong việc dạy con hư, không chịu đi học như 2 trường hợp trên thì hãy kết hợp với cô giáo, nhà trường. Thực tế, có nhiều trường hợp cha mẹ chưa biết cách tương tác với con nên cần có giáo viên hỗ trợ chia sẻ, định hướng. "Cách dạy sai lầm có thể khiến con có những chấn thương về tâm lý và ảnh hưởng đến tương lai sau này", chuyên gia Lê Khanh nhấn mạnh.

Phạt con "chôn sống" rồi "xích vào cột điện" như thời Trung cổ, cha mẹ đang thực sự bất lực? - Ảnh 4.

Bạo lực không bao giờ là phương pháp dạy con hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói với Dân Việt: "Rất nhiều bố mẹ áp dụng cách kỷ luật truyền thống để dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bạo lực không bao giờ là phương pháp dạy con hiệu quả mà ngược lại khiến con "miễn dịch" hơn. Khi con không nghe lời cha mẹ càng hành xử thô bạo hơn khiến khoảng cách bố mẹ - con cái ngày càng xa, con nghĩ bố mẹ không yêu thương và thậm chí nói gì chúng làm ngược lại để "trả đũa".

Lúc này, thay vì phạt con, bố mẹ chỉ còn một cách duy nhất là thay đổi thái độ, nhận lỗi về mình. Việc đầu tiên là "bố mẹ xin lỗi con vì không dạy con trở thành người tốt. Bố mẹ đã làm tất cả cách thức xử phạt con từ nhỏ đến lớn hóa ra bố mẹ sai". 

Sau đó, bố mẹ hãy dành thời gian cho con, quan tâm khiến con tin tưởng, nghĩ rằng bố mẹ yêu thương, lo lắng cho mình để chia sẻ thoải mái không ngại ngần. Đặc biệt, khi con phạm lỗi phải bao dung, tha thứ, giúp con thấy hối hận đã làm bố mẹ đau lòng. Đứa trẻ làm sai đơn giản chỉ vì không được dạy làm việc đúng, kỹ năng đúng". 

PGS.TS. Trần Thành Nam cũng khuyến cáo: "Khi con đến tuổi thành niên, vi phạm pháp luật, bố mẹ không nên đánh con vì con dễ hành động tiêu cực. Thay vào đó cha mẹ nhờ các tổ chức xã hội can thiệp".

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem