'Bật mí' bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng lao động Nhật Bản

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 14/04/2024 11:34 AM (GMT+7)
Xây dựng hồ sơ xin việc gọn gàng, cách trả lời phỏng vấn mạch lạc, đúng trọng tâm, thái độ nghiêm túc, cầu tiến... là những bí kíp mà nhà tuyển dụng Nhật Bản chia sẻ để ứng viên có thể chinh phục được các doanh nghiệp.
Bình luận 0

Nhiều năm gần đây, nhu cầu làm việc tại Nhật Bản hay các công ty Nhật ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Rất nhiều sinh viên bày tỏ, nguyên nhân lựa chọn doanh nghiệp Nhật Bản là vì muốn có cơ hội học tập và phát triển, thăng tiến; có mức lương và phúc lợi hấp dẫn; có môi trường làm việc chuyên nghiệp và học hỏi được nhiều về văn hóa làm việc…

Tuy nhiên, làm thế nào để chinh phục được nhà tuyển dụng Nhật Bản cũng là điều mà nhiều sinh viên băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ, đi cạnh những phúc lợi, cơ hội thì nhà tuyển dụng Nhật Bản cũng được cho là rất khắt khe, đòi hỏi sinh viên phải hội tụ nhiều yếu tố.

Bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng Nhật Bản

Chia sẻ tại talk show "Bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng Nhật Bản" vừa được tổ chức tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), ông Ueno Takashi, Phó giám đốc Công ty TNHH Vietseiko - người có hơn 25 năm kinh nghiệm về tuyển dụng, cung ứng nhân sự cấp cao tại Nhật Bản cho rằng, để chinh phục nhà tuyển dụng và trở thành nhân viên trong doanh nghiệp Nhật Bản, ứng viên phải đáp ứng nhiều yếu tố.

'Bật mí' bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng lao động Nhật Bản- Ảnh 1.

Nhu cầu làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng tăng. Ảnh: M.Q

Tuy nhiên, ngay từ đầu, các thông tin trong hồ sơ xin việc hay thái độ, tác phong, trang phục, giao tiếp... là yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp ứng viên có được cảm tình từ nhà tuyển dụng.

Đối với hồ sơ xin việc (CV), ông Ueno Takashi cho rằng, quan trọng là ứng viên phải đưa ra được các thông tin về bản thân, trình độ, quá trình làm việc, mục tiêu tương lai... Trong đó, CV phải thể hiện được khát vọng, động cơ, mục đích cũng như năng lượng tích cực của ứng viên đối với công ty ứng tuyển. Điều này khiến nhà tuyển dụng cảm nhận được mong muốn làm việc và mong muốn gắn bó, cống hiến với công ty.

"Nếu CV của ứng viên thể hiện được sự nghiêm túc, hứng thú và lý giải được vì sao hứng thú với vị trí tuyển dụng thì khả năng vượt qua vòng 1 là rất cao", ông Ueno Takashi chia sẻ.

Thứ 2, phần giới thiệu bản thân trong CV ứng viên phải nêu ra được những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Tuy nhiên, ứng viên không nên dài dòng, kể ra hàng loạt điểm mạnh của bản thân. Thay vào đó hãy nói về điểm mạnh lớn nhất có thể phục vụ cho công việc đang ứng tuyển.

'Bật mí' bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng lao động Nhật Bản- Ảnh 2.

Làm thế nào để chinh phục nhà tuyển dụng Nhật Bản là điều nhiều ứng viên quan tâm. Ảnh: M.Q

"Các bạn phải thể hiện làm sao để nhà tuyển dụng thấy bản thân mình có ưu điểm trong lĩnh vực bạn đang ứng tuyển và lý giải vì sao công ty cần điều đó; đồng thời, các bạn sẽ phát huy điểm mạnh này như thế nào để cống hiến, góp phần phát triển cho công ty trong tương lai hay không", ông Ueno Takashi nói.

Tiếp theo, ứng viên cần thông tin về kinh nghiệm, quá trình làm việc của bản thân trước khi ứng tuyển. Ông Ueno Takashi cho biết, ông rất hứng thú với những CV chia sẻ kinh nghiệm làm việc từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, kinh nghiệm khi đi làm thêm, làm bán thời gian… điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng học hỏi của ứng viên cũng như tinh thần, sự phấn đấu trong công việc. Đây sẽ là một điểm cộng, được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Cuối cùng, trong CV của mình, các ứng viên nên xây dựng một bản sơ yếu lý lịch dễ nhìn, dễ hiểu. Ứng viên có thể tham khảo các mẫu trên mạng, nhưng bố cục cần hài hòa, các ý chính nêu rõ ràng, tránh lan man. Tâm lý chung của nhà tuyển dụng là rất ngại đọc các bản dài lê thê nhưng thiếu nội dung cần thiết.

Thái độ hơn trình độ

Ông Ueno Takashi nhắn nhủ, ngoài CV xin việc, khi tham gia phỏng vấn ứng viên cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo. Theo đó, ngoại hình, cách ăn mặc, đầu tóc... phải gọn gàng, lịch sự. Dù không phải là yếu tố quyết định, nhưng giao diện ấn tượng, cách hành xử lịch thiệp sẽ ảnh hưởng 1 phần đến kết quả của cuộc phỏng vấn.

'Bật mí' bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng lao động Nhật Bản- Ảnh 3.

Nhà tuyển dụng đánh giá thái độ ứng viên quan trọng hơn trình độ. Ảnh: M.Q

Quá trình phỏng vấn, ông Ueno Takashi lưu ý, ứng viên cần nghe kỹ câu hỏi của nhà tuyển dụng để trả lời đúng trọng tâm, tránh nói lan man. Bí quyết để trả lời lưu loát là ứng viên lên mạng xã hội, tìm hiểu các câu hỏi khi đi phỏng vấn để tham khảo và biết cách trả lời; thậm chí có thể tự đứng trước gương để tập trả lời.  Nếu chưa nghe rõ hoặc chưa hiểu câu hỏi của nhà tuyển dụng, ứng viên nên mạnh dạn hỏi lại để trả lời chính xác.

Nhà tuyển dụng rất quan tâm đến nhiệt huyết, mong muốn gắn bó, đồng hành của ứng viên. Đây là điều mà công ty Nhật Bản hay bất cứ công ty nào đều hướng đến. Để trả lời câu hỏi này, trước khi gửi CV xin việc, ứng viên cần tìm hiểu kỹ về công ty, các sản phẩm, thế mạnh, vị trí mong muốn làm việc và phúc lợi... để xem có đúng như mong muốn hay không. Từ đó, ứng viên có thể thể hiện nhiệt năng lượng trực tiếp qua ánh mắt, nụ cười, thần thái...

Điều cuối cùng ông Ueno Takashi chia sẻ, là nhà tuyển dụng sẽ xem trọng thái độ của ứng viên, hơn là trình độ.

"Kiến thức, trình độ chuyên môn là rất quan trọng, nhưng tôi có thể khẳng định, tối quan trọng vẫn là thái độ với công việc của các bạn. Thái độ là điều mà lãnh đạo, các nhà tuyển dụng đặc biệt chú ý. Thay vì chú trọng bằng cấp thì thái độ, nhân cách, sự đối nhân xử thế mới là điều mà ngày càng nhiều công ty đề cao. Do đó, các bạn cần có thái độ nghiêm túc với công việc, sự trung thực, động lực, sự cầu tiến cũng như sự chuẩn bị ý chí, tinh thần đối mặt với áp lực, kháng stress...", ông Ueno Takashi nói.

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3/2024 là 12.738 lao động.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 35.933 lao động, trong đó có 11.483 lao động nữ, đạt hơn 28% kế hoạch năm 2024. Trong đó, số lao động đi làm việc tại các thị trường đông nhất lần lượt là: Nhật Bản (23.364 người); Đài Loan (Trung Quốc) (9.781 người); Hàn Quốc (707 người).

Trong năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng kỷ lục, với gần 160 nghìn người, đạt 133,3 % kế hoạch được giao. Trong số này, Nhật Bản là thị trường đứng đầu khi thu hút hơn 80 nghìn lao động nước ta. Tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc): 58.620 lao động; Hàn Quốc: 11.626 lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem