Bất ngờ trước kiến trúc của ngôi đền cổ từng được ví như "bồng lai tiên cảnh" trên phố Hà Nội

Duy Huy Thứ tư, ngày 01/02/2023 06:03 AM (GMT+7)
Đền Thủy Trung Tiên tọa lạc trên đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, Ba Đình, TP.Hà Nội từ xa xưa đã gắn liền với văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt với tên gọi ban đầu của đền là Cẩu Nhi.
Bình luận 0

Video ngôi đền cổ nằm trên đường Thanh Niên. Thực hiện: Duy Huy.

Huyền tích tên gọi đền "Cẩu Nhi"

Theo tích xưa, đền có tên gọi Cẩu Nhi do liên quan tới một truyền thuyết về sự kiện vua Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1009 và dời đô về Thăng Long năm 1010.

Bà Đỗ Thị Kim Dung - Ban Quản lý khu di tích đền Thủy Trung Tiên cho biết, đền Cẩu Nhi có từ đời Lý Thái Tổ, theo một truyền thuyết, khi Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra Thăng Long định đô ở vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn khi xây thành, cứ xây lại đổ.

Bất ngờ trước kiến trúc của ngôi đền cổ từng được ví như "bồng lai tiên cảnh" trên phố Hà Nội - Ảnh 2.

Đền Cẩu Nhi ngày nay được gọi là đền Thủy Trung Tiên

Một hôm, Lý Công Uẩn thấy có một con chó bơi qua sông Hồng và trên lưng con chó có chữ "thiên tử". Con chó đó đang có thai, bơi từ bên Đình Bảng Bắc Ninh, qua sông Hồng sang đất Thăng Long, chạy lên trên núi Nùng.

Khi đó, Lý Công Uẩn mới vỡ ra một điều, đây chính là sự chỉ bảo của đất trời, vì thế cho nên đã xây lại thành Thăng Long trên nền thành cũ Đại La, tức là xây trên nền rất cao nên sau khi xây, thành đứng vững và không bị đổ nữa.

Bất ngờ trước kiến trúc của ngôi đền cổ từng được ví như "bồng lai tiên cảnh" trên phố Hà Nội - Ảnh 3.

Tượng chó bằng đá đặt ngay tại đầu cầu đá ở lối vào đền.

Tài liệu thần tích trong Ngọc phả cổ lục cũng chép về sự xuất hiện của tục thờ "Thần Khuyển" khi cho rằng, bà mẹ vua Lý Công Uẩn tên Phạm Thị Trinh, khi đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn.

Khi vua Lý Công Uẩn xuất hiện, con chó bằng đồng đã sủa inh ỏi, rồi vua Lý Công Uẩn lại sinh năm Tuất... Được biết, nơi đây, đời Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu.

Cái tên Cẩu Nhi "chính danh" đã không còn nhưng vẫn in đậm trong tâm thức của người dân. Tuy nhiên, dấu ấn về đền Cẩu Nhi xưa vẫn còn sót lại qua những hiện vật trong đền.

Bất ngờ trước kiến trúc của ngôi đền cổ từng được ví như "bồng lai tiên cảnh" trên phố Hà Nội - Ảnh 4.

Bia đá tại đền Thủy Trung Tiên.

Khi ngay từ trước cầu đá vào đến trong đền Cẩu Nhi, du khách vào thăm sẽ nhìn thấy ít nhất khoảng 5 cặp chó đá: Trước cầu đá, sau cổng Tam quan, trước cửa đền và trước bia đá trong đền.

Ngôi chùa như chốn bồng lai, tiên cảnh

Như một "hòn ngọc" trong quần thể thắng cảnh Hồ Tây – Trúc Bạch, kể từ khi được đầu tư phục dựng, đền Cẩu Nhi trở nên khang trang hơn và được nhiều người ghé thăm, đặc biệt là vào những ngày rằm, ngày lễ.

Vẻ đẹp kiến trúc ngôi đền nhìn từ trong ra ngoài, từ chi tiết đến tổng thể đều có nét đặc trưng riêng biệt. Đền được xây hình chữ nhật, nằm thơ mộng tại một đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch, gần cuối đường Thanh Niên, xung quanh đền có nhiều cây xanh cổ thụ bao bọc um tùm.

Bất ngờ trước kiến trúc của ngôi đền cổ từng được ví như "bồng lai tiên cảnh" trên phố Hà Nội - Ảnh 5.

Tam quan tại ngôi đền.

Dẫn vào ngôi đền Thủy Trung Tiên là cây cầu đá chắc chắn, uốn lượn soi bóng mặt hồ Trúc Bạch thơ mộng. Cầu có tổng chiều dài 18m với 5 nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m và rộng 2,25m.

Trước đây, người dân muốn vào đền phải đi qua cây cầu dây cáp tạm bợ. Cầu đá mới này được xây dựng theo nguyên mẫu của cây cầu đá đền Trần ở Nam Định.

Đi hết cây cầu đá là đến cổng tam quan được thiết kế theo phong cách đền, chùa xưa với phần mái cong, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Tiếp đó điện thờ chính, diện tích bên trong khá nhỏ nhưng vẫn đầy đủ những vật dụng cần thiết để người dân hành lễ, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bất ngờ trước kiến trúc của ngôi đền cổ từng được ví như "bồng lai tiên cảnh" trên phố Hà Nội - Ảnh 6.

Du khách tới tham quan ngôi đền cổ độc đáo.

Được phục dựng lại dưới dáng dấp của ngôi chùa cổ, mọi chân nến, chông, tượng thờ trong đền đều được chế tác bởi các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng bên hồ Trúc Bạch. Mái ngói của cổng tam quan hay đền Cẩu Nhi đều được lợp bằng ngói vảy cá theo lối truyền thống. Diện tích hòn đảo nhỏ xíu này gần 500m2 nhưng bán kính chỉ có 12m phủ rợp bóng cây xanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem