Bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng, nhiều ca sốc sốt xuất huyết, Đồng Nai lo ngại thiếu thuốc điều trị

Nha Mẫn Thứ hai, ngày 01/08/2022 12:31 PM (GMT+7)
Tình hình dịch sốt xuất huyết tại Đồng Nai đang diễn biến phức tạp, số lượng ca sốc sốt xuất huyết ngày càng tăng khiến ngành y tế và các địa phương lo ngại.
Bình luận 0

Ngày 1/8, ông Lê Quang Trung, giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết dịch sốt xuất huyết đang ngày càng diễn biến phức tạp tại Đồng Nai. 

Các địa phương có nhiều ổ dịch gồm Trảng Bom, Biên Hoà, Thống Nhất, Nhơn Trạch,... Đây đều là những địa phương có nhiều nhà trọ, đông công nhân sinh sống và làm việc.

Bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng, nhiều ca sốc sốt xuất huyết, Đồng Nai lo ngại thiếu thuốc điều trị - Ảnh 1.

Ao tù nước đọng là nơi sản sinh ra nhiều lăng quăng nên người dân cần dọn dẹp sạch sẽ. Ảnh. Tuệ Mẫn

Đến thời điểm này, Đồng Nai đã có trên 15.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 ca tử vong. Đáng nói số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện lớn bị sốc sốt xuất huyết lên đến khoảng 600 ca. Việc điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng khó khăn. 

Ông Trung cho biết đã chỉ đạo các bệnh viện nâng cao điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết, hạn chế tối đa các ca tử vong.

Cũng theo ông Trung, vài ngày trở lại đây, ông nhận được phản ánh từ nhiều bệnh viện trong tỉnh là nhiều loại dung dịch, thuốc hỗ trợ bệnh nhân sốt xuất huyết bị khan hiếm, hết hàng. 

Ngoài ra, việc thiếu nhân lực gồm bác sĩ, điều dưỡng cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn không nhỏ cho công tác điều trị.

Bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng, nhiều ca sốc sốt xuất huyết, Đồng Nai lo ngại thiếu thuốc điều trị - Ảnh 2.

Đồng Nai tăng cường tuyên truyền vận động người dân chung tay phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đặc biệt các loại dung dịch cao phân tử Dextran 40, Dextran 70 và HES 200.000 dalton, các loại dịch truyền để xử lý cấp cứu bệnh nhân sốc sốt xuất huyết hiện không có trên thị trường Việt Nam để cung cấp cho bệnh viện. 

Vì vậy, nhiều bệnh viện tại Đồng Nai đang phải sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000 dalton để điều trị cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết. Loại dung dịch này có hiệu quả điều trị không bằng loại dung dịch cao phân tử trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Ông Trung cho biết trước phản ánh, đề nghị từ các bệnh viện, ngành y tế Đồng Nai cũng đã báo cáo lên Bộ Y tế.

"Trước mắt chúng tôi đã đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức mua sắm theo quy định để đảm bảo kịp thời cung ứng các loại dịch truyền nói trên. Ngoài ra, phải đảm bảo việc ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thuốc dịch truyền Dextran 40 để có hàng sẵn phục vụ điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó cũng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành y tế tăng cường vận động tuyên truyền người dân cùng chung tay phòng chống dịch sốt xuất huyết", ông Trung nhấn mạnh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng, nhiều ca sốc sốt xuất huyết, Đồng Nai lo ngại thiếu thuốc điều trị - Ảnh 3.

Đồng Nai vận động người dân tăng cường phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh nơi ở để phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Tuệ Mẫn

Còn bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, quan trọng nhất vẫn là người dân cần có biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt.

Trong khi đó bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng khuyến cáo, người dân phải cẩn thận khi sốt trên 39 độ kèm các triệu chứng như nhức đầu dữ dội, đau hốc mắt, đau cơ và khớp, buồn nôn, nôn ói, phát ban,.... Sau đó cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm.

Những trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà. Khi điều trị tại nhà, bệnh nhân cần uống thuốc hạ sốt paracetamol 3-4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 6 giờ khi nhiệt độ ≥ 380C, lau mát bằng nước ấm. Uống nhiều nước để nguội, bổ sung nước cam, chanh, nước lọc, Oresol, nước dừa, sữa. Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và không nên tự ý truyền dịch, dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng, nhiều ca sốc sốt xuất huyết, Đồng Nai lo ngại thiếu thuốc điều trị - Ảnh 5.

Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, nơi ở, xử lý ao tù nước đọng. Ảnh: Tuệ Mẫn

Những bệnh nhân có các triệu chứng lừ đừ, mệt mỏi, vã mồ hôi, đau bụng vùng thượng vị, hạ sườn phải, nôn nhiều sau ăn, sau uống nước hoặc nôn khan, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi cầu phân đen cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.

"Bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng thường vào giai đoạn khoảng 3-7 ngày sau khi phát bệnh. Trong 24-48 giờ của giai đoạn này, một số bệnh nhân sức khỏe bị tụt nhanh, đột ngột. Vì thế người dân không nên chủ quan vì sốt xuất huyết nặng rất dễ tử vong do huyết tương bị rò rỉ, tích tụ chất lỏng, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng hoặc suy đa tạng", bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem