Bệnh viện nghìn tỷ xây xong bỏ hoang, đại biểu Quốc hội than: "Quá lãng phí!"

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 22/09/2022 06:30 AM (GMT+7)
"Đây là sự lãng phí vô cùng lớn. Có những bệnh viện quá tải, thế mà có những chỗ lại bỏ không. Tôi đề nghị phải làm rõ, tại sao khai thác chậm, trách nhiệm thuộc về ai...?" - PGS.TS Bùi Việt An, đại biểu Quốc hội khóa XIII lên tiếng.
Bình luận 0

"Bệnh viện xây xong bỏ hoang quá lãng phí" 

Ngày 18/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Y tế có chuyến thị sát và chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc của hai dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, cả hai dự án tạm dừng xây dựng, hiện nay cả hai bệnh viện đều đang đóng cửa, tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57%. 

Bệnh viện nghìn tỷ xây xong bỏ hoang: Đại biểu Quốc hội than "Quá lãng phí!" - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong buổi làm việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài Chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam. Yêu cầu chậm nhất sau 2 tháng nữa, các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam phải có phương án xử lý.

Bệnh viện nghìn tỷ xây xong bỏ hoang: Đại biểu Quốc hội than "Quá lãng phí!" - Ảnh 2.

Toàn cảnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 xây xong bỏ hoang. Ảnh: Gia Khiêm

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho rằng, việc hai bệnh viện xây xong bỏ hoang gây ra sự lãng phí rất lớn. Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 1 tại Hà Nội bao năm qua luôn quá tải, đặc biệt tại Bệnh viện Việt Đức số lượng bệnh nhân rất lớn.

Bệnh viện nghìn tỷ xây xong bỏ hoang: Đại biểu Quốc hội than "Quá lãng phí!" - Ảnh 3.

Xung quanh bệnh viện cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Gia Khiêm

"Bệnh viện tuyến cuối này bệnh nhân đông vô cùng, chứng kiến hình ảnh thiếu giường, phòng bệnh dẫn đến bệnh nhân phải nằm ở hành lang rất tội, họ đa phần đều là những bệnh nhân nặng. Do vậy, khi nhìn vào cảnh Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 chậm tiến độ, chưa thể đưa vào sử dụng sau nhiều năm xây dựng cho thấy sự lãng phí rất lớn. Chính vì thế tôi rất muốn công trình này đi vào hoạt động để giảm tải cho cơ sở 1", bà Lan chia sẻ.

Bệnh viện nghìn tỷ xây xong bỏ hoang: Đại biểu Quốc hội than "Quá lãng phí!" - Ảnh 4.

Cảnh bệnh nhân, người nhà mệt mỏi chờ khám tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Bà Lan cho rằng, việc hai bệnh viện tuyến trung ương luôn quá tải bởi bệnh viện tuyến tỉnh chưa thể đáp ứng được hết yêu cầu chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, bệnh viện chuyên sâu rất cần vì khả năng chẩn đoán điều trị bệnh nặng rất tốt, dẫn đến quá tải nhiều năm nay. “Bộ Y tế, địa phương và bệnh viện cần có trách nhiệm, giải pháp sớm hoàn thành và tổ chức hoạt động bệnh viện cơ sở 2”, bà Lan bày tỏ.

"Thời gian tới, việc quan trọng nhất cần làm là phải xác định xem công trình đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm, còn lại bao nhiêu và khó khăn vướng mắc ở đâu để khắc phục triệt để, hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Việc bệnh viện đi vào hoạt động có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết như trang thiết bị, điều kiện, cơ sở vật chất của cơ sở mới, đội ngũ cán bộ bác sĩ, nhân viên… làm sao có kế hoạch lộ trình, quyết tâm giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn. Việc xây dựng bệnh viện bỏ không nhiều năm nếu kéo dài sẽ lãng phí, không đạt được mục tiêu đề ra", bà Lan nói thêm.

"Cần xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai?"

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII (2022-2016) nhấn mạnh: "Đây là sự lãng phí vô cùng lớn. Có những bệnh viện quá tải thế mà có những chỗ lại bỏ không. Tôi đề nghị phải làm rõ tại sao như thế? Tại sao khai thác chậm, từ đó xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai bởi nhu cầu khám chữa bệnh sau Covid-19 vô cùng lớn, nhiều bệnh viện Trung ương quá tải thế mà cơ sở đầu tư khá lớn gần 10.000 tỷ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm".

Bệnh viện nghìn tỷ xây xong bỏ hoang: Đại biểu Quốc hội than "Quá lãng phí!" - Ảnh 5.

Hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 hiện cửa đóng then cài nhiều năm nay. Ảnh: Gia Khiêm

Bà An cho rằng, tiền xây dựng bệnh viện từ thuế đóng góp của nhân dân đóng góp, nhu cầu của người dân là cấp thiết.

"Tại chuyến thị sát, Thủ tướng cũng đã chỉ rõ các nguyên nhân xuất phát từ những yếu kém, sai lầm từ khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện… Việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân là điều rất cần để cho chuỗi sản xuất được tiếp tục, nếu dân không khoẻ sao lao động được. 

Bên cạnh đó, việc Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2 sớm đi vào hoạt động thì tất cả người dân ở các vùng được tiếp cận y học hiện đại, mục tiêu là thế mà chưa đạt được trong khi có nơi 2, 3 người chung một giường bệnh. Hậu Covid-19, Chính phủ, Quốc hội đặt vấn đề phải chăm lo sức khoẻ cho nhân dân để đảm bảo cho người lao động đủ sức khoẻ để các chuỗi không bị đứt gãy sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy trong đó có lao động phải khoẻ mới lao động sản xuất tốt", bà An nói thêm.

Người từng giao đất để xây Bệnh viện xong bỏ hoang nói gì. Clip: Gia Khiêm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến hai dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là thực hiện các hợp đồng xây dựng, nên phát sinh các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.

Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tiếp tục ưu tiên cân đối vốn cho các dự án; Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ các vướng mắc kể trên.

Bệnh viện nghìn tỷ xây xong bỏ hoang: Đại biểu Quốc hội than "Quá lãng phí!" - Ảnh 7.

Hình ảnh bệnh nhân chen chúc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Kiểm tra thực địa hai cơ sở trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác chứng kiến nhiều hạng mục của cả hai bệnh viện vẫn chưa hoàn thành; phần lớn trang thiết bị y tế chưa được mua sắm, lắp đặt; đặc biệt nhiều khu vực phụ trợ xuống cấp, sân, vườn cỏ dại mọc um tùm, trở nên hoang hóa.

Trong quá trình Thủ tướng kiểm tra, cán bộ, nhân viên bảo vệ và người dân xung quanh hai bệnh viện cho biết, người dân trong vùng rất sốt ruột khi chứng kiến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đã đầu tư nay để lãng phí dưới nắng mưa, không tiếp tục đầu tư, sử dụng; mong muốn hai bệnh viện tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện để đưa vào sử dụng, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Ngay sau khi kiểm tra, khảo sát thực địa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành xác định rõ những vướng mắc, khó khăn, nhất là sai sót từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kết, thẩm định, ký kết hợp đồng, thi công xây lắp..., đặc biệt xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, vướng mắc này.

Từ thực tế này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu, các cơ quan liên quan suy nghĩ thêm về việc giao cho các địa phương triển khai các công việc và vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Nhắc lại nội dung trao đổi với người trông coi khu vật tư dự án Bệnh viện Việt Đức, Thủ tướng nhấn mạnh, nhân dân mong mỏi, bệnh viện sốt ruột, trông ngóng, địa phương mong muốn sớm có bệnh viện để tạo việc làm cho người dân trong khu vực...

Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ/bệnh viện, đồng khởi công xây dựng cuối năm 2014.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.

2 dự án được kỳ vọng sẽ giúp người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận, giảm tải cho cơ sở chính của hai bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai ở Hà Nội. Cả 2 dự án này đã chậm tiến độ 7 năm và chưa biết khi nào mới có thể hoạt động tiếp đón bệnh nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem