Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chuyển toàn bộ sang cơ sở mới

Bạch Dương Thứ tư, ngày 08/02/2023 15:50 PM (GMT+7)
Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ khoa phòng tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 (Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) đã chuyển sang cơ sở mới (tại số 12, đường 400 phường Tân Phú TP.Thủ Đức).
Bình luận 0
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chuyển toàn bộ sang cơ sở mới - Ảnh 1.

Người dân đến khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2. Ảnh: P.V

Tại cơ sở mới với 1.000 giường, người bệnh sẽ được phục vụ đầy đủ tiện ích, phòng rộng rãi, thiết bị hiện đại. Đồng thời, ngay trên nóc bệnh viện còn có sân bay sẵn sàng trở thành điểm tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu được chuyển đến bằng máy bay trực thăng trong tương lai không xa.

Trong tương lai, cơ sở 1 của bệnh viện sẽ chuyển đổi thành Trung tâm Tầm soát và Chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao theo định hướng của Sở Y tế. Khu kỹ thuật cao (số 47 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh) tiếp tục khám tầm soát, phẫu thuật, xạ trị, cấp cứu... cho các bệnh nhân ung thư ở khu vực nội thành.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu cho biết, không chỉ thay đổi về cơ sở vật chất, cơ sở mới còn giúp bệnh viện thay đổi cả lối tư duy cũ - "tư duy theo kiểu xuề xòa và đôi lúc tưởng như luộm thuộm".

Theo đó, nếu cơ sở 1 chật chội, nóng nực, cũ kỹ, cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu lại rất đồ sộ với nhiều hạng mục, cần phải có thời gian sắp xếp cho mọi hoạt động đi vào nề nếp.

"Hiện nay, Ban giám đốc xác định phải thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, cách ứng xử, lời ăn tiếng nói với người bệnh, thân nhân, đối tác… sao cho chuẩn mực và xứng tầm hơn với một cơ ngơi như hiện tại", ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, khi người dân đã được thăm khám trong không gian rộng rãi, phòng bệnh tiện nghi, bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Một trong những vấn đề khiến ban giám đốc bệnh viện lo lắng chính là kinh phí để vận hành bệnh viện.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế lên đến 2.000 tỷ đồng. Kinh phí bảo trì, bảo dưỡng hệ thống này hàng năm rất lớn, khoảng 200 tỷ đồng (tương ứng với 10% giá trị). Nếu máy móc không được bảo trì, bảo dưỡng, chất lượng điều trị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chuyển toàn bộ sang cơ sở mới - Ảnh 3.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được đầu tư nhiều máy móc hiện đại. Ảnh: P.V

Kinh phí cho các hoạt động hậu cần cũng là bài toán khó. Ông dẫn chứng ở cơ sở 1, trung bình mỗi tháng bệnh viện trả 1 tỷ tiền điện. Nhưng ở cơ sở 2, khi vận hành toàn bộ, tiền điện lên đến 5 tỷ đồng/tháng.

Về nguồn thu, riêng năm 2021, nguồn thu của bệnh viện giảm sâu do Covid-19, thâm hụt 91 tỷ đồng. Doanh thu của cơ sở 2 (tính đến giữa năm 2022) không đủ để chi cho tiền điện, nước, tiền vệ sinh, cảnh quan môi trường, bảo hành, bảo trì thiết bị….

"Bệnh viện đã kiến nghị đến đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, HĐND, lãnh đạo thành phố những khó khăn trên. Chúng tôi hy vọng và mong muốn có sự hỗ trợ về ngân sách để vận hành, đảm bảo khám chữa bệnh được hiệu quả nhất", bác sĩ Thịnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem