Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài cuối): Giải pháp nào để giải quyết tận gốc?

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 12/11/2022 07:00 AM (GMT+7)
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, 3 bệnh viện chuyên khoa xuống cấp, cũ kỹ giữa lòng thành phố đã kéo dài nhiều năm nay. Đây là một trong 7 thách thức của ngành y tế TP.HCM cần phải có thay đổi về chính sách, cơ chế để giải quyết tận gốc rễ.
Bình luận 0
Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài cuối): Cần giải pháp giải quyết tận gốc - Ảnh 1.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình xuống cấp sau hơn 50 năm hoạt động. Ảnh: N.L

Trong nhiều năm qua, người bệnh gặp rất nhiều khó khăn khi đến các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Tâm thần, Chấn thương chỉnh hình để thăm khám, điều trị vì cơ sở vật chất của ba bệnh viện xuống cấp nghiêm trọng, quả tải.

Triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách

Sở Y tế TP.HCM cho biết, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng mới cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần và khối khoa khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sau khi nhiều lần đề xuất, kiến nghị UBND TP.HCM.

Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, trải qua hơn 50 năm xây dựng nên cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình đã xuống cấp trầm trọng, trong khi đó bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Điều này không đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế, bệnh nhân. 

Bên cạnh đó, nguy cơ cháy nổ gần kề do phía trước ký túc xá Cao Thắng cũng cũ kỹ, xuống cấp. Trong năm 2019, ký túc xá từng xảy ra 2 vụ cháy liên tục trong 1 tháng khiến người bệnh, bác sĩ phải sơ tán khẩn cấp.

Đây là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình, triển khai thành công nhiều kỹ thuật hiện đại, chỉ đạo tuyến cho nhiều tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, cảnh xập xệ, xuống cấp về cơ sở vật chất khiến người bệnh và nhân viên y tế chịu rất nhiều thiệt thòi.

Dự án xây dựng mới bệnh viện tại huyện Bình Chánh đã được UBND TP.HCM cho triển khai theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao) nhưng hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện.

"Mỗi lần HĐND TP họp hỏi bệnh viện có dự án không, lúc nào cũng nói có nhưng không làm được, 12 năm rồi vẫn vướng. Chúng tôi mong được giải quyết sớm để bệnh viện dễ hoạt động hơn", bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện bày tỏ trong buổi gặp Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đầu tháng 10 vừa qua.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị TP ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, cho phép chuyển địa điểm dự án xây mới từ khu 6A, Bình Hưng, Bình Chánh về Lô 3-27, khu Tân Tạo Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, Bình Chánh, quy mô 500 giường, nguồn vốn ngân sách thành phố.

Đồng thời, chỉ đạo giao nhà đất số 201 Phạm Viết Chánh (cơ sở cũ của Bệnh viện Truyền máu Huyết học) tạm thời làm cơ sở 2 của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình hiện tại.

Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài cuối): Cần giải pháp giải quyết tận gốc - Ảnh 3.

Khu khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần cũ kỹ, ẩm mốc. Ảnh: B.D

Đối với Bệnh viện Tâm thần, hiện có ba cơ sở với tổng quy mô 300 giường nhưng cơ sở vật chất đều xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng trầm trọng đến công tác điều trị.

Tăng tốc phê duyệt các dự án xây mới bệnh viện

Theo định hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, tiêu chuẩn trung bình trên toàn quốc là 12 giường/100.000 dân. Hiện TP.HCM có 10 triệu dân, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cần ít nhất khoảng 1.200 giường.

Sở Y tế TP kiến nghị cho phép triển khai dự án xây dựng mới bệnh viện có quy mô 1.000 giường với 1 trong 2 phương án. Thứ nhất, mở rộng cơ sở 2 Bệnh viện Tâm thần tại huyện Bình Chánh, từ 250 lên 1.000 giường, bổ sung diện tích đất từ 2,2 ha lên 5 - 10 ha.

Thứ hai, triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Tâm thần quy mô 1.000 giường bệnh với diện tích 5 - 10 ha tại huyện Bình Chánh. Khi đó, cơ sở chính tại quận 5 bàn giao lại cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (liền kề).

Hiện nay, UBND TP.HCM đã thông qua kế hoạch mở rộng cơ sở 2 Lê Minh Xuân lên 1.000 giường. Sau khi hoàn thành, cơ sở 1 của bệnh viện sẽ được bàn giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài cuối): Cần giải pháp giải quyết tận gốc - Ảnh 4.

Một góc khu khám bệnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: B.D

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, khoa khám bệnh, khoa cấp cứu xuống cấp nhưng quy mô lại không tương xứng với tầm phát triển của bệnh viện chuyên khoa nhiễm đầu ngành của TP.HCM và khu vực phía Nam.

Hơn 10 năm qua, kể từ năm 2011, UBND TP chấp thuận cho bệnh viện triển khai dự án xây dựng mới khối khoa khám bệnh. Đến năm 2016, dự án được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư công và đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư.

Tuy nhiên, sau đó Sở Giao thông vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất mở đường Cao Đạt (nối dài) đi ngang qua khuôn viên bệnh viện nhưng ngành y tế không đồng ý về dự án này.

Sở Y tế kiến nghị sớm phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu đất Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để sớm khởi công xây dự án xây dựng mới khoa Khám bệnh của bệnh viện (đã được HĐND TP thông qua).

Ngoài ra, các bệnh viện TP.HCM đều bị kẹt trong chuyện xây dựng các dịch vụ tiện ích như nhà xe, căng tin… phục vụ bệnh nhân và thân nhân. Theo ông Thượng, trước đây các bệnh viện muốn xây dựng chỉ cần xin ý kiến Sở Y tế nhưng nay phải chờ phê duyệt của Sở Tài chính và UBND TP. 

"Cả TP hiện chỉ có Bệnh viện Từ Dũ được phê duyệt", Giám đốc Sở Y tế nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem