Bình Định lên "giây cót" chuẩn bị ứng phó với bão số 5

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 30/10/2019 17:18 PM (GMT+7)
Tỉnh Bình Định vừa ra công điện “nóng” yêu cầu cấm biển và hoãn các cuộc họp không quan trọng để tập trung chống bão số 5 kèm với lũ lớn trên các sông.
Bình luận 0

Bão số 5 (tên quốc tế là Matmo) có sức gió mạnh nhất lên đến cấp 9, giật cấp 11 đang di chuyển nhanh vào đất liền, dự kiến tâm bão có thể nằm ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Ninh Thuận.

Chiều 30/10, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa có công điện yêu cầu khẩn trương triển khai lực lượng sơ tán dân dân ở vùng ngập sâu, sạt lở trên lồng bè canh thủy sản, cấm biển và hoãn tất cả các cuộc họp không quan trọng để tập trung chống bão số 5.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu hoãn cuộc họp không quan trọng chống bão số 5.

Theo lãnh đạo Cảng cá Bình Định, hơn 400 tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh đã được bố trí neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn. Không có bất cứ ngư dân nào được lưu lại trên tàu khi xảy ra mưa bão lớn, đồng thời bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại Cảng cá cũng như tại khu neo đậu tàu thuyền của ngư dân.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 30/10- 31/10 ở khu vực tỉnh Bình Định có mưa rất to, lượng mưa trong toàn đợt phổ biến 300 - 400mm, có nơi 400 - 600mm.Từ đêm 30/10 - 1/11 trên các sông xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông có khả năng đạt mức BĐ2 đến BĐ3, có nơi trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, đặc biệt tại các huyện như: An Lão, Vĩnh Thạnh,Vân Canh, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước, Tx An Nhơn và TP. Quy Nhơn. Sạt lở đất bờ sông, bờ biển và ngập lụt sâu ở hạ lưu các sông và nội thành đô thị. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1 - 2.

img

Tỉnh Bình Định lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn trong khi bão đang sắp đổ bộ.

Để đối phó với cơn bão số 5, tỉnh Bình Định đang chuẩn bị sơ tán dân ở vùng xung yếu, nơi có nguy cơ sạt lở ven sông, ven biển và sạt lở núi đến nơi an toàn.

“Hơn 1 tấn thóc và lúa giống đã được gia đình tôi dồn vào bao, kê lên cao. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, phòng khi nước lũ lớn không thể đi mua được”, ông Trần Ngọc Quang (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) cho hay.

img

Đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Định kiểm tra công tác phòng chống bão số 5.

Theo ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, UBND huyện đã chỉ đạo cho tất cả học sinh các cấp nghỉ học, thông tin về diễn biến bão số 5, yêu cầu người dân chằng chống nhà cửa, bảo quản thóc, lúa giống và không được chủ quan với bão lũ. 

Huyện cũng đã xác định được 1.235 hộ dân/4.772 nhân khẩu tại thị trấn Tuy Phước, xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Hòa... cần phải di dời khi mưa lũ lớn xảy ra. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Tuy Phước cũng đã chuẩn bị 4 chiếc bobo và các phương tiện để di dời dân đến nơi an toàn.

Trong khi đó, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định đã đề nghị thủ trưởng các đơn vị tự kiểm tra thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống bão lũ ở cơ sở, chú trọng việc gia cố công trình, phòng học không bị tốc mái, tung cửa khi gió bão.

“Thủ trưởng các đơn vị mầm non, phổ thông và đơn vị trực thuộc cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 30/10 đến hết ngày 31/10, báo cáo với chính quyền địa phương yêu cầu gia đình giữ con em ở nhà không cho đùa nghịch nước, chống sõng, vớt củi hoặc đi lại trên các tuyến giao thông có lũ tràn qua, tuyệt đối không đi qua những nơi nước sâu, chảy xiết. Nếu để có học sinh bị tai nạn do thiếu trách nhiệm, các cấp quản lý giáo dục sẽ bị xử lý kỷ luật”, ông Tuấn yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem