Bình Dương ‘chịu chi’, ứng trước kinh phí để xây cầu nối với Đồng Nai

Văn Dũng Thứ bảy, ngày 09/05/2020 09:52 AM (GMT+7)
Để dự án được sớm đưa vào triển khai, tỉnh Bình Dương đã ứng trước kinh phí để xây dựng cầu Bạch Đằng 2 trị giá hơn 600 tỷ đồng nối với tỉnh Đồng Nai.
Bình luận 0

UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thống nhất nguồn vốn xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư là 658 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng cầu là 491 tỷ đồng (Bình Dương sẽ chịu 50% chi phí), và 167 tỷ đồng để xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương.

Bạch Đằng

Sơ đồ vị trí xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông nối Bình Dương với Đồng Nai.

Để dự án sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhằm đáp ứng mong mỏi của người dân của 2 địa phương, tỉnh Bình Dương sẽ ứng trước kinh phí để xây dựng cầu, tỉnh Đồng Nai sẽ cân đối hoàn trả sau khi hoàn thành công trình.

Theo thiết kế ban đầu, cầu Bạch Đằng 2 gồm có phần cầu chính có chiều dài hơn 390m, rộng 17,5m; phần đường dẫn 2 đầu cầu phía tỉnh Bình Dương dài hơn 294m và phía tỉnh Đồng Nai dài hơn 160m. 

Nguồn vốn để thực hiện dự án được phân chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng góp 50% kinh phí đối với phần cầu chính và mỗi địa phương tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.

Theo Sở GTVT Đồng Nai, hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương đã triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công, dự toán. 

Trong dự án được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, phần đường dẫn phía Đồng Nai có chiều dài hơn 160m là chưa đủ để kết nối vào Hương lộ 7. Do đó, Sở GTVT Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với UBND tỉnh Bình Dương để bổ sung thêm đoạn đường khoảng 100m thực hiện kết nối cầu Bạch Đằng với đường Hương lộ 7.

Được biết, nhiều năm qua trên tuyến sông Đồng Nai đoạn qua 2 tỉnh này còn nhiều bến phà hoạt động. Cầu Đồng Nai, Thủ Biên hiện hữu đã được đưa vào khai thác nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao giữa 2 tỉnh và khu vực lân cận.

Bình Dương và Đồng Nai là hai tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò đặc biệt đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Thời gian qua, việc kết nối giao thông giữa Bình Dương và Đồng Nai thông qua 2 tuyến đường giao thông chính là cầu Thủ Biên ở đường Vành đai 4 và cầu Hóa An. Tuy nhiên, hai cầu này cách nhau 35 km với khoảng cách còn khá xa, gây khó khăn trong quá trình thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem