Bình Dương: Đặc sản măng cụt vẫn giữ được giá cao giữa dịch Covid-19 nhờ bí quyết này

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 25/06/2021 18:31 PM (GMT+7)
Trong khi nhiều mặt hàng trái cây rớt giá vì dịch Covid-19 thì đặc sản măng cụt Bình Dương vẫn giữ được giá cao.
Bình luận 0

Đặc sản măng cụt Bình Dương giá cao

Nông dân trồng măng cụt ở Bình Dương cho biết, năm nay sản lượng măng cụt giảm hơn 30% so với vụ mùa năm trước do thời tiết không thuận lợi. 

Không khí lạnh không kéo dài, lại thêm nhiều sương mù và mưa sớm đã ảnh hưởng đến việc đơm hoa kết trái của vườn cây.

Do tác động của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ trái cây nói chung gặp nhiều khó khăn. Giá cả một số loại trái cây sụt giảm nghiêm trọng cũng khiến người trồng măng cụt ở Bình Dương ít nhiều lo lắng.

Từ tháng 5 âm lịch, những vườn măng cụt Bình Dương bắt đầu chín rộ. (Ảnh: Quỳnh Như)

Từ tháng 5 âm lịch, những vườn măng cụt Bình Dương bắt đầu chín rộ. (Ảnh: Quỳnh Như)

Thế nhưng đến thời điểm này, đặc sản măng cụt Bình Dương vẫn giữ được giá bán khá ổn định so với các loại trái khác.

HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn (TP.Thuận An) có diện tích vườn măng cụt 4,3ha. Ông Trần Văn Viễn - Giám đốc HTX cho biết sản lượng măng cụt năm nay của HTX dự kiến 15-17 tấn.

Sản lượng tuy thấp hơn năm ngoái nhưng giá bán lại không giảm mạnh như các loại trái cây khác.

Đầu mùa, giá măng cụt Bình Dương bán tại vườn lên đến 120.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn năm trước từ 10.000-20.000 đồng/kg, tạo niềm phấn khởi cho người làm vườn.

Thời điểm hiện nay, dù đã vào mùa chín rộ nhưng giá măng cụt Bình Dương chỉ giảm nhẹ, mức bình quân từ 70.000 đồng/kg.

"Riêng măng cụt loại 1 của HTX được trồng theo chuẩn VietGAP vẫn đưa ra thị trường với giá 80.000 đồng/kg", ông Viễn cho biết.

Nhà vườn thu hoạch măng cụt ở Bình Dương. (Ảnh: Quỳnh Như)

Nhà vườn chăm sóc vườn măng cụt ở Bình Dương. (Ảnh: Quỳnh Như)

Bà Trần Thủy Lâm Trưng (TP.Thuận An) là người có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng măng cụt, cũng là xã viên của HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn.

Bà Trưng cho biết, cây măng cụt hiện được trồng ở nhiều tỉnh. Tuy nhiên, măng cụt Bình Dương vẫn có nhiều ưu điểm so với các vùng khác.

Cơm của măng cụt vẫn giữ được độ ráo nước, màu cơm măng cụt trắng; vị cơm măng cụt ngọt thanh và trái ít bị hư.

Nhờ giữ được uy tín thương hiệu nên măng cụt Bình Dương, nhất là ở vùng Lái Thiêu (TP.Thuận An) vẫn được người dùng lựa chọn.

Trong HTX, các thành viên cũng hỗ trợ nhau tiêu thụ. Nhiều người trẻ còn năng động, mở thêm kênh bán hàng trên mạng online.

Theo bà Trưng, mỗi năm măng cụt chỉ cho một vụ, sản lượng ít dù thương lái ít thu mua do ngại Covid-19, măng cụt vẫn tiêu thụ được ở thị trường trong nước.

Người dân Bình Dương thu hoạch măng cụt, chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Quỳnh Như)

Người dân Bình Dương thu hoạch măng cụt, chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Quỳnh Như)

Hiện nay, vùng cây ăn trái TP. Thuận An có diện tích gần 1.500ha, chủ yếu là sầu riêng, mít, măng cụt. Trong đó, diện tích cây măng cụt nhiều nhất, với hơn 660ha.

Để khôi phục và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái ở Thuận An nói riêng và cả tỉnh Bình Dương nói chung, UBND tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực với người làm vườn.

Ông Trần Văn Viễn cho biết, HTX cũng đang tích cực hỗ trợ xã viên nâng cao năng suất vườn cây, ổn định thị trường tiêu thụ và xây dựng chứng nhận VietGAP.

Đến nay, HTX đã có 6 thành viên được cấp chứng nhận VietGAP với 7,5ha măng cụt.

HTX An Sơn đang có hướng mở rộng liên kết giữa hội viên nông dân và nhà vườn ở các địa phương khác trong tỉnh để có thể ký kết được những hợp đồng bao tiêu với số lượng lớn và giá cả ổn định.

"Ngoài ra, HTX cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm những đối tác tác có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch sinh thái để giúp vườn cây đặc sản ở địa phương phát triển ổn định lâu dài", ông Viễn chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem