Bình Dương: Hội Nông dân giúp bà con tìm lại niềm vui từ mô hình trồng hồ tiêu GlobalGAP

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 18/09/2021 13:16 PM (GMT+7)
Thông qua hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra, Hội nông dân xã An Bình (huyện Phú Giáo) đang giúp bà con tìm lại niềm vui từ mô hình trồng hồ tiêu GlobalGAP.
Bình luận 0

Mô hình trồng hồ tiêu GlobalGAP

Hồ tiêu vốn không phải là cây trồng thế mạnh ở Bình Dương. Nhưng nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây hồ tiêu từng đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân xã An Bình (huyện Phú Giáo).

Có thời điểm, diện tích trồng hồ tiêu ở xã An Bình lên đến 500ha, chiếm phân nửa diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương. 

Trải qua nhiều khó khăn do dịch bệnh, cùng với thói quen canh tác lạm dụng phân, thuốc đã khiến năng suất vườn cây sụt giảm. Nhất là khi giá tiêu giảm thấp, bà còn càng bỏ bê chăm sóc, nguồn thu nhập từ cây tiêu giảm theo. 

Ông Trần Văn Chỉnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình khảo sát vườn tiêu của nông dân. Ảnh: Hiếu Thuần

Ông Trần Văn Chỉnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình khảo sát vườn tiêu của nông dân. Ảnh: Hiếu Thuần

Đỉnh điểm là khủng hoảng năm 2017, giá hồ tiêu khắp miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên chạm đáy, diện tích thu hẹp dần. Toàn huyện Phú Giáo còn hơn 300ha hồ tiêu, trong đó xã An Bình còn hơn 200ha.

Để giúp người dân vượt khó, năm 2018, tỉnh Bình Dương và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam triển khai đề tài xây dựng mô hình quản lý tổng hợp cây hồ tiêu ngay tại huyện Phú Giáo.

Hội Nông dân huyện Phú Giáo cũng tích cực triển khai công tác ngoại giao, tìm kiếm và gầy dựng giống hồ tiêu Vĩnh Linh, tiêu sẻ Lộc Ninh để hỗ trợ cây giống cùng vật tư đầu vào cho bà con.

Đồng thời, tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu tại xã An Bình trên diện tích 10ha của 18 hộ dân cũng được Hội Nông dân thành lập.

Đến năm 2020, mô hình quản lý tổng hợp trên cây hồ tiêu tại xã An Bình đã đạt chứng nhận GlobalGAP.

Tổ hợp tác trồng tiêu ở xã An Bình trên diện tích 10ha đã đạt chứng nhận GlobalGAP năm 2020. Trong ảnh.

Tổ hợp tác trồng tiêu ở xã An Bình trên diện tích 10ha đã đạt chứng nhận GlobalGAP năm 2020. Trong ảnh: vườn tiêu chuẩn GlobalGAP của nông dân xã An BÌnh, huyện Phú Giáo. Ảnh: Trần Khánh

Ông Trần Văn Chỉnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình nhớ lại, những ngày đầu thành lập, tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai mô hình.

"Biết là trồng tiêu sạch theo chuẩn GlobalGAP không hề dễ như cách làm truyền thống, Hội Nông dân vẫn tích cực phối hợp cùng các ngành chức năng hướng dẫn cho bà con quy trình kỹ thuật để làm ra hạt tiêu đạt chuẩn quốc tế", ông Chỉnh cho biết.

Hội Nông dân giúp bà con tìm lại niềm vui

Ông Bùi Văn Hải, nông dân xã An Bình kể, từ khi vào tổ hợp tác, nông dân được tham gia tập huấn, dự hội thảo về kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu. Những kiến thức, kinh nghiệm này đều được người dân áp dụng vào vườn tiêu của gia đình.

Kết quả nghiên cứu ban đầu từ mô hình cho thấy, nếu xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác bài bản thì hiệu quả sản xuất hồ tiêu sẽ tăng trưởng ổn định. Mức tăng trưởng cao hơn trung bình từ 10-15% so với sản xuất truyền thống.

Đặc biệt, khi ứng dụng quy trình chuẩn, nông dân trồng tiêu không còn lo ngại tình trạng mất mùa do dịch bệnh; giảm thiểu đến 90% rủi ro cho vụ mùa.

Ông Bùi Văn Hải, nông dân trồng tiêu ở xã An Bình, huyện Phú Giáo. Ảnh:Hiếu Thuần

Ông Bùi Văn Hải, nông dân trồng tiêu ở xã An Bình, huyện Phú Giáo. Ảnh:Hiếu Thuần

Ông Hải đánh giá, đến nay, hiệu quả sản xuất hồ tiêu của tổ hợp tác cho năng suất tăng từ 15-20% so với sản xuất truyền thống.

Đặc biệt, tổ hợp tác đã giúp tạo mối liên kết thống nhất giữa các thành viên trong sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

"Hiệu quả thấy rõ là vườn tiêu giảm thiểu bệnh chết nhanh, chết chậm. Tiêu bán ra thị trường có giá cao hơn tiêu thường từ 6.000-7.000 đồng/kg", ông Hải nói.

Ông Trần Văn Chỉnh cho biết, tổ hợp tác đang dần tạo được uy tín, thu hút ngày càng nhiều nông dân đăng ký tham gia.

Vì khi tham gia sinh hoạt trong tổ hợp tác, mọi người được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc vườn tiêu sạch, theo hướng bền vững. Người trồng tiêu dần hạn chế, từ bỏ sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Qua đó, năng suất và chất lượng sản phẩm hạt tiêu luôn ổn định nhờ trồng cùng một loại giống, cùng một quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản.

Giá tiêu trong nước và thế giới đang phục hồi, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng hồ tiêu chuẩn GlobalGAP càng nâng cao rõ rệt. Ảnh: Trần Khánh

Giá tiêu trong nước và thế giới đang phục hồi, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng hồ tiêu chuẩn GlobalGAP càng nâng cao rõ rệt. Ảnh: Trần Khánh

Hàng năm, Hội Nông dân vẫn hỗ trợ bà con nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mọi người an tâm sản xuất. 

Hội Nông dân cũng hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm sạch của bà con. Hiện nay, giá tiêu đang có chiều hướng phục hồi, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng hồ tiêu chuẩn GlobalGAP càng nâng cao rõ rệt.

Từ 2 năm nay, những vườn tiêu ở huyện Phú Giáo đang dần xanh tươi trở lại. Nỗi buồn của những năm tháng mất mùa, mất giá dần tan biến. Nông dân bắt đầu tìm lại được niềm vui từ vườn tiêu của mình.

"Hội Nông dân xã An Bình tiếp tục mở rộng số lượng hội viên, hướng tới thành lập hợp tác xã. Đồng thời nhân rộng mô hình hồ tiêu sạch chuẩn quốc tế, và xây dựng thương hiệu hồ tiêu sạch của địa phương", ông Chỉnh chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem