Bình Dương: Liên tục nâng chuẩn nghèo cao hơn mức của Trung ương

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 31/05/2022 14:01 PM (GMT+7)
Bình Dương đã 4 lần xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh, cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 1,7 - 3 lần. Dự kiến năm 2022, Bình Dương sẽ tiếp tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn của Trung ương 1,5 lần.
Bình luận 0

Tại phiên họp lần thứ 8 của HĐND tỉnh Bình Dương cuối tháng 5, HĐND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng Nghị quyết về Quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022- 2025, và sẽ trình HĐND thông qua vào kỳ họp giữa năm 2022.

Xây dựng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương

Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bình Dương, từ năm 1997 đến nay, tỉnh Bình Dương đã 9 lần xây dựng chuẩn nghèo.

Trong đó, liên tục từ năm 2009 đến nay, Bình Dương đã 4 lần xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh, cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 1,7-3 lần.

Cụ thể, giai đoạn từ 2009 –2010 cao hơn 3 lần; giai đoạn 2011-2013 cao hơn 2 lần; giai đoạn 2014-2015 cao hơn 2,5 lần. Và giai đoạn 2016 – 2020 cao hơn 1,7 lần.

Dự kiến năm 2022, Bình Dương sẽ tiếp tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh về thu nhập cao hơn của Trung ương 1,5 lần.

(Nghị định số 27/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí thu nhập: khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng).

Sở Lao động Thương binh Xã hội khảo sát nhu cầu của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trần Khánh

Sở Lao động Thương binh Xã hội khảo sát nhu cầu của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Lê Minh Quốc Cường - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, việc liên tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn mức chuẩn chung của Trung ương thể hiện quan điểm nhất quán của Bình Dương trong công tác giảm nghèo.

Công tác giảm nghèo gắn liền thành quả phát triển kinh tế với việc đảm bảo an sinh, công bằng xã hội; phù hợp với điều kiện, đặc thù, mức sống của người dân địa phương.

Đồng thời đảm bảo khả năng cân đối ngân sách, dành nguồn lực tương xứng trong quá trình tăng trưởng, phát triển cho công tác giảm nghèo.

Hàng năm và trong từng giai đoạn, Bình Dương luôn quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách, ủy thác thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để đảm bảo đủ nguồn vốn ưu đãi tín dụng cho vay hộ nghèo, tạo việc làm, phát triển sinh kế.

Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội tăng 2.251 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn đạt 3.374 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương tăng 1.527 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tăng 561 tỷ đồng

Qua đó, tổng số nguồn vốn ngân sách nhà nước của chương  trình giảm nghèo tăng lên 601 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng nguồn vốn ngân sách tăng thêm dành cho Tín dụng chính sách nói chung.

Giảm nghèo là điểm nhấn trong công tác an sinh xã hội ở Bình Dương

Từ năm 1997, khi tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương vốn là tỉnh thuần nông, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.

Thời điểm đó, Bình Dương có gần 1.000 hộ thiếu đói; 14.662 hộ nghèo, chiếm 12% trên tổng số hộ nhân dân; thu nhập bình quân đầu người 5,8 triệu đồng/năm.

Sau 25 năm chia tách, Bình Dương đã có sự phát triển đột phá về kinh tế xã hội. Cùng với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội luôn được quan tâm.

Trong công tác giảm nghèo, đầu năm 2016, Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương, không có hộ tái nghèo.

Nông dân xã Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên) đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ được địa phương tặng bò sinh sản để nhân giống, phát triển kinh tế. Ảnh: Thu Hường

Nông dân xã Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên) đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ được địa phương tặng bò sinh sản để nhân giống, phát triển kinh tế. Ảnh: Thu Hường

Ông Lê Minh Quốc Cường - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, đó là thành quả tích cực, ghi nhận tính hiệu quả trong công tác an sinh xã hội, giảm nghèo của địa phương.

Công tác giảm nghèo ở Bình Dương đã triển khai nhiều cách làm hiệu quả như các mô hình "Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo", quỹ nuôi bò sinh sản, thâm canh cây tiêu, nuôi gà thả vườn, trồng nấm, chăm sóc cây cảnh, sửa xe ô tô xe máy, may gia công, lái xe...

Và trong những năm gần đây là mô hình "Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng" đã được các địa phương triển khai rộng khắp.

Điểm nổi bật, khác biệt của của mô hình là việc học nghề được thực hiện không chỉ ở các cơ sở dạy nghề tập trung, mà chủ yếu là tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, trang trại nuôi trồng, nơi sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

Phương châm của mô hình là cầm tay chỉ việc, không nặng về lý thuyết mà tập trung cho việc thực hành là chính. Thông qua mô hình, đã có hàng trăm trường hợp được trợ giúp, tạo việc làm, thoát nghèo bền vững.

Liên tục từ năm 2011 đến nay, cuối mỗi giai đoạn phát triển, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đều đạt dưới 1%.

Giữa năm 2021, toàn tỉnh còn 3.114 hộ nghèo (trên tổng số 326.729 hộ nhân dân của tỉnh), chiếm tỷ lệ 0,95%. Đến cuối năm 2021, Toàn tỉnh còn 3.114 2.875 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,88%.

Theo ông Cường, một trong những điểm nhấn hết sức ấn tượng của tỉnh Bình Dương suốt thời gian qua là thành tựu trong công tác giảm nghèo.

Bình Dương hiện không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương và cơ bản không có hộ tái nghèo. Bình Dương trở thành điểm sáng của cả nước trong công tác giảm nghèo.

Giai đoạn tới, Bình Dương tiếp tục phấn đấu trở thành một địa chỉ đáng tin cậy cho các nhà đầu tư, là nơi đáng sống.

"Chắc chắn, công tác đảm bảo an sinh, giảm nghèo bền vững tiếp tục là mục tiêu, là động lực hướng tới của một Bình Dương năng động, nghĩa tình", ông Cường chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem