Vì sao Bình Dương vẫn chậm trễ trong việc di dời doanh nghiệp lên phía Bắc?

Nguyễn Vy Chủ nhật, ngày 28/04/2024 21:12 PM (GMT+7)
Việc di dời hàng ngàn nhà máy từ phía Nam lên phía Bắc của Bình Dương là di dời cả 1 hệ sinh thái gắn liền với người lao động, doanh nghiệp.
Bình luận 0

Bình Dương đang tính toán, đảm bảo tính chặt chẽ trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo sự đồng thuận cao nhất với các đối tượng trong diện di dời.

Trăm mối tơ vò khi di dời doanh nghiệp

Bình Dương đang khẩn trương triển khai chủ trương di dời khoảng 2.900 nhà máy từ khu vực phía Nam sang khu vực phía Bắc của tỉnh. Quá trình này gây ra nhiều lo lắng cho các đối tượng thuộc diện chuyển đổi công năng, di dời.

Anh Trần Hậu Thành, người đang làm việc tại Công ty Rochdale Spears, (TP.Tân Uyên) kể, công ty có hơn 5.000 lao động. Khi công ty di dời, không chỉ 5.000 lao động bị ảnh hưởng, mà nhiều người còn lo lắng chuyện mang cả gia đình tới nơi an cư mới.

Trụ sở Công ty Tnhh Rochdale Spears ở TP. Tân Uyên. Ảnh: T.L

Trụ sở Công ty TNHH Rochdale Spears ở TP.Tân Uyên. Ảnh: T.L

Anh Hậu đang có 2 con nhỏ còn đi học. Khi di dời công ty sang chỗ mới, anh chưa biết lo chuyện học hành cho các con mình như thế nào.

"Từ thủ tục chuyển trường, giá thuê phòng trọ cho đến môi trường sống ở chỗ mới đều cần chính quyền địa phương hỗ trợ để công nhân yên tâm làm việc", anh Hậu nói.

Ông Đoàn Đình Khanh, đại diện công nhân Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (TP.Tân Uyên) cho biết, nhiều lao động cũng băn khoăn về chế độ hỗ trợ trong thời gian ngừng việc để di chuyển nhà máy.

Từ nhà ở xã hội, phòng trọ, việc giảm học phí cho con công nhân khi chuyển về nơi mới là điều mà các công nhân có gia đình rất quan tâm. Các lao động lớn tuổi không thể theo chân doanh nghiệp thì mong muốn được tạo việc làm mới.

Bà Lê Thị Thủy - Quản lý kinh doanh Công ty May mặc Quốc tế Viet HSing (TP.Thuận An) cho biết, thời hạn thuê đất của công ty là 50 năm. Đến nay, công ty mới thuê và sử dụng 25 năm.

Thời gian qua, công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của kinh tế. Việc di dời là rất khó khăn. Nên nếu phải di dời, doanh nghiệp mong muốn được hoán đổi đất và có sẵn nhà xưởng để lắp ráp máy móc sản xuất ngay.

Công nhân làm việc tại Công ty May mặc Quốc tế Viet HSing (TP.Thuận An). Ảnh: T.L

Công nhân làm việc tại Công ty May mặc Quốc tế Viet HSing (TP.Thuận An). Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Hùng - Kế toán trưởng Công ty Vina Chang Tai ở TP.Dĩ An cũng cho biết, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi phải xây dựng nhà xưởng mới. Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về vay hoặc các chính sách ưu đãi khác để vượt qua giai đoạn khó khăn khi thực hiện di dời.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết rất cần thông tin cụ thể về lộ trình di dời, các tiêu chí di dời cũng như các chính sách ưu đãi về cho thuê đất, các chính sách hỗ trợ khi di dời. Tương tự, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc chuyển đổi công năng đất, cho thuê lại mặt bằng đang sử dụng.

Tạo điều kiện ổn định sản xuất, đời sống người lao động di dời doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho cho biết, trong năm 2024, tỉnh sẽ xây dựng tiêu chí xác định các doanh nghiệp chuyển đổi công năng, di dời; đồng thời xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời.

Tỉnh sẽ triển khai di dời thí điểm 5-7 doanh nghiệp để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chuyển đổi công năng và di dời. Đi kèm với đó là các nhóm chính sách cụ thể để hỗ trợ di dời cho cả người lao động và doanh nghiệp.

"Các phương án xây dựng nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí để phục vụ nhu cầu của người lao động khi di dời cũng đang xây dựng", bà Hà nói.

KCN Bình Đường (TP.Dĩ An) là nơi thí điểm triển khai đề án di dời, chuyển đổi công năng. Ảnh: T.L

KCN Bình Đường (TP.Dĩ An) là nơi thí điểm triển khai đề án di dời, chuyển đổi công năng. Ảnh: T.L

Theo ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, việc di dời người lao động không đơn giản như di dời thiết bị, máy móc, vì nhiều người đã quen với cuộc sống ổn định ở phía Nam.

Về thời gian ngừng việc để doanh nghiệp di dời, ông Tuyên cho biết, người lao động sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu tiên. Sau đó, mức lương sẽ được thỏa thuận lại giữa doanh nghiệp và lao động theo quy định của pháp luật.

Nếu mất việc làm, người lao động sẽ được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tỉnh cũng đang xem xét xây dựng thêm các chính sách hỗ trợ đặc thù cho người lao động di dời theo doanh nghiệp, ông Tuyên cho biết thêm.

Theo đề xuất quy hoạch các trường học ở khu vực phía Bắc giai đoạn 2024-2030, cơ sở vật chất của tỉnh sẽ tăng thêm 140 trường. Bà Trương Hải Thanh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cam kết sẽ giải quyết nhu cầu trường lớp và thủ tục chuyển trường cho con em công nhân khi di dời.

Ông Võ Anh Tuấn – Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, di dời là chủ trương lớn và cần thiết của tỉnh. Có di dời thì Bình Dương mới tạo ra không gian phát triển mới, cơ cấu kinh tế mới cho cho các địa phương phía Nam.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm hỏi, khảo sát ý kiến của công nhân và đại diện Công ty Sung Hyun Vina trong KCN Bình Đường. Ảnh: T.L

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm hỏi, khảo sát ý kiến của công nhân và đại diện Công ty Sung Hyun Vina trong KCN Bình Đường. Ảnh: T.L

Theo ông Tuấn, việc di dời 1 doanh nghiệp, 1 KCN là không hề dễ dàng. Việc thay đổi vị trí mới không chỉ là chuyện của 1 thực thể mà là di dời cả 1 hệ sinh thái, gắn liền với người lao động và doanh nghiệp.

Vị trí mới để di dời nằm ở đâu? Đất sau di dời sẽ quy hoạch thế nào? Kinh phí hỗ trợ di dời đến mức độ nào? Người lao động có đi theo doanh nghiệp di dời? Nếu đi theo thì ăn học thế nào, khám chữa bệnh ở đâu...? Tất cả các vấn đề này, ngành chức năng ở Bình Dương phải tính toán kỹ.

Chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện theo Đề án 3210 của tỉnh.

Theo đề án này, TP.Thuận An sẽ di dời từ nay đến năm 2028; TP.Tân Uyên sẽ di dời đến năm 2029; TP.Thủ Dầu Một, Bến Cát, Dĩ An phải hoàn thiện di dời đến năm 2030.

Ông Anh Tuấn thừa nhận, thực tế là một số doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn vì chủ trương di dời đã lâu nhưng chậm triển khai.

"Bình Dương khẳng định là đang và tiếp tục triển khai. Nhưng tỉnh phải tính toán chặt chẽ, nhất là trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ. Phải làm sao tạo sự đồng thuận đối với các đối tượng trong diện di dời", ông Anh Tuấn chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem