Bình Dương: Ở nơi này, hễ nông dân nào liên kết, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thì đều khá giàu

Hoài Phương (Hội Nông dân tỉnh Bình Dương) Thứ hai, ngày 25/01/2021 08:09 AM (GMT+7)
Phú Giáo là huyện nông nghiệp của tỉnh Bình Dương, trong những năm gần đây kinh tế của huyện đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ.
Bình luận 0

Nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu

Bên cạnh sự phát triển và công nghiệp, thì việc hình thành các mô hình kinh tế, liên kết sản xuất, phát triển kinh tế tập thể và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế của huyện Phú Giáo.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, các cấp Hội ND huyện Phú Giáo đã tích cực vận động hội viên, nông dân trên địa bàn tham gia có hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển kinh tế tập thể và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 1.

Mô hình trồng bơ booth7 của HTX nông nghiệp Bình Dương, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo.

Từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nông dân Phú Giáo đã triển khai thực hiện niều mô hình sản xuất, kinh doanh mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình nuôi cá sặc rằn, nuôi ba ba, nuôi cá sấu, nuôi chim yến, trồng nấm, nuôi vịt cạn trại lạnh, trồng hoa lan, trồng dưa lưới, trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ, kĩ thuật cao, quy mô lớn.

Ông Trịnh Đức Dũng - Chủ tịch Hội ND huyện Phú Giáo cho biết: Phú Giáo là huyện nông nghiệp, với trên 80% người dân sống bằng nghề nông nghiệp. Hiện toàn huyện có số lượng hội viên nông dân đông nhất tỉnh Bình Dương, với trên 10.400 hội viên, đang sinh hoạt ở 11 cơ sở hội, 70 chi hội và 254 tổ hội.

Hội xác định trọng tâm là các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi nhuận và thu nhập ổn định. Từ đó đã hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, khẳng định giá trị thương hiệu của nông nghiệp công nghệ cao Phú Giáo thời gian qua.

Thời gian qua, Hội ND huyện Phú Giáo đã tư vấn, hướng dẫn cho hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất kinh tế tập thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Các mô hình này được đông đảo hội viên, nông dân trên địa bàn hưởng ứng, triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, đã thành lập được 19 hợp tác xã, với 187 thành viên; 44 tổ hợp tác sản xuất kinh tế, với 514 thành viên; 2 câu lạc bộ chăn nuôi, với 39 thành viên; 9 câu lạc bộ nhà nông, với 291 thành viên; 1 câu lạc bộ trang trại, với 30 thành viên; 5 câu lạc bộ sinh vật cảnh, với 94 thành viên; 2 chi hội nông dân nghề nghiệp, với 28 thành viên.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Thời gian qua, Hội ND huyện Phú Giáo đã phối hợp với các cơ quann chức năng, các doanh nghiệp, nhà quản lý tổ chức các hội thảo, hội nghị về liên kết chuỗi từ sản xuất đến người tiêu dùng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật.

Bình Dương: Ở nơi này, hễ nông dân nào liên kết, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thì đều khá giàu - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá nước ngọt của hộ nông dân Phùng Văn Thức, thành viên CLB nuôi cá nước ngọt xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Hội cũng tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, tham quan học tập các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Hội tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách ưu đãi các nguồn vốn vay phát triển kinh tế nông nghiệp của Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao.

Trong đó có những hợp tác xã hay tổ hợp tác sản xuất kinh tế làm ăn có hiệu quả kinh tế cao, tạo được uy tín và vị thế trên thị trường tiêu biểu như hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, xã An Bình chuyên sản xuất dưa lưới; hợp tác xã nông nghiệp Bình Dương, chuyên sản xuất và cung cấp các giống cây trồng mới như vú sữa hoàng kim, bơ booth7, na dứa Đài Loan; tổ hợp tác chăn nuôi heo an toàn sinh học xã Phước Sang, chuyên cung cấp các sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn sinh học…

Ông Nguyễn Văn Cường, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, xã An Bình, huyện Phú Giáo cho biết: Thông qua các mô hình kinh tế hợp tác liên kết sản xuất người nông dân đã tạo được chuỗi liên kết làm ăn, không có tình trạng manh mún, thiếu kiểm soát, dẫn đến dư thừa hoặc thiếu sản phẩm cung cấp ra thị trường, hoặc bị thương lái ép giá như trước đây.

"Hiện nay, chúng tôi đã chủ động định hướng sản xuất cho các thành viên và đảm bảo ổn định giá cả đầu ra cho sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất và quan trọng hơn nữa thông qua hình thức hợp tác làm ăn, từng thành viên được trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển…"- ông Cường khẳng định.

Ông Trịnh Đức Dũng - Chủ tịch Hội ND huyện Phú Giáo cho biết: Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia các hình thức liên kết sản xuất; xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất. Thêm vào đó, Hội sẽ tích cực hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới cho hội viên nông dân sản xuất sản phẩm sạch, xây dựng thương hiệu tập thể các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như cam, bưởi, hồ tiêu…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem