Bình Thuận: Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 24/08/2022 18:32 PM (GMT+7)
Ngày 24/8, thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022), chiều 31/8/2022, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 với chủ đề “Bình Thuận kết nối tiềm năng”…
Bình luận 0

Thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Hội nghị là hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Thuận, định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua đó, tạo tiền đề cho việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào năm 2023 nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Bình Thuận: Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 - Ảnh 1.

Hoàng hôn trên TP. Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao để mời gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm, có giá trị tích cực lan tỏa cao trong tỉnh; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần thúc đẩy phát triển các khu vực đô thị trong tỉnh.

Hội nghị cũng là diễn đàn gặp gỡ, trao đổi với các các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước; là cơ hội để tăng cường hoạt động đối ngoại, xúc tiến quảng bá các tiềm năng đầu tư tại tỉnh Bình Thuận.

Đây là Hội nghị chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực, không phô trương hình thức; tập trung giới thiệu cho nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế mạnh, có khả năng đầu tư vào các dự án mang tính đột phá, có tác động tích cực đối với cuộc sống người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.

Quảng bá công nghiệp – du lịch – nông nghiệp

Về công nghiệp, tỉnh Bình Thuận sẽ giới thiệu, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đảm bảo thân thiện với môi trường; đặc biệt chú trọng các ngành nghề công nghệ mới (công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học…). Mở rộng, phát  triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi, kêu gọi đầu tư sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng…

Bình Thuận: Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 - Ảnh 3.

Biển Mũi Né, TP. Phan Thiết, được du khách đánh giá là một trong những bờ biển đẹp... Ảnh: Bùi Phụ.

Về du lịch, tỉnh Bình Thuận giới thiệu các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi, giải trí cao cấp, các dự án thương mại, các dự án đô thị, khu dân cư trên địa bàn TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam...góp phần chỉnh trang đô thị để phát triển hình thành khu du lịch quốc gia Mũi Né theo Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Giới thiệu định hướng đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia, các dự án dịch vụ du lịch, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch vào ban đêm nhằm đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm của địa phương.

Về nông nghiệp, tỉnh Bình Thuận sẽ giới thiệu, thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại; xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao cho các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh; các dự án thứ cấp vào Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận với tổng diện tích quy hoạch là 2.155 ha theo Quyết định số 2059/QĐ-UBND ngày 10/8/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận: Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 - Ảnh 4.

Trồng dưa trong nhà kính ở Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Bình Thuận có nhiều bãi tắm đẹp

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, với bờ biển dài 192km, Bình Thuận có nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, sông, hồ, núi, thác với khí hậu trong lành, nhiều di tích văn hóa lịch sử, tâm linh phục vụ phát triển ngành du lịch mũi nhọn.

Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ xác định Bình Thuận là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.

Bình Thuận: Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 - Ảnh 5.

Hòn Cau huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vũ

Bình Thuận đang tập trung đầu tư, hình thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế, trở thành một điểm đến hấp dẫn, hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện tại Bình Thuận có nhiều bãi biển đẹp, bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi, trong đó có vùng biển Mũi Né là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, được nhiều du khách quốc tế đánh giá cao. Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.

Bình Thuận: Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 - Ảnh 6.

Một bãi biển có rêu xanh ở Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Nhiều chuyên gia du lịch nhận định, người dân Bình Thuận thật thà, hiếu khách, thân thiện, thông minh, chịu khó và làm việc cần cù. Người dân Bình Thuận chất phác lớn lên từ nắng, gió, cát và biển, nên thời gian qua, cuộc sống được cải thiện đáng kể qua từng năm, tập trung vào khu vực thành thị, miền núi, nông thôn, hải đảo. Chi phí sinh hoạt tương đối thấp hơn so với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.

Khí hậu Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 27°C, lượng mưa trung bình 1.024 mm, độ ẩm tương đối 79%, tổng số giờ nắng trong năm là 2.459 giờ. Ít bị ảnh hưởng bởi mưa bão và các thảm họa thời tiết thiên nhiên.

Đa dạng về văn hóa, lễ hội và ẩm thực

Tỉnh Bình Thuận hiện có có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống với

bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, nhất là văn hoá Champa với nhóm di tích tháp Po Sah Inư, đền thờ Po Klong Mơhnai và hơn 100 bảo vật hoàng tộc Champa nguyên gốc quý hiếm.

Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận còn có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như: Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh, lễ hội Trung thu, lễ hội Katê, lễ hội Dinh Thầy Thím, lễ hội đua thuyền, lướt ván diều…

Bình Thuận cũng là địa phương có nền ẩm thực độc đáo với lợi thế nguyên liệu phong phú từ vùng biển rộng lớn. Ẩm thực Bình Thuận thừa hưởng và kết hợp văn hóa ẩm thực miền Trung và miền Nam.

Bình Thuận: Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 - Ảnh 7.

Món gỏi thả Phan Thiết rất được nhiều du khách khen ngon. Ảnh: Nguyên Vũ

Lĩnh vực ưu đãi đầu tư

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hoặc thuế suất 10% đối với thu nhập của

doanh nghiệp từ thực hiện xã hội hóa, thuộc các lĩnh vực quy định tại Khoản 2, Điều 15, Nghị định số 218/2013/NĐ- CP (đã sửa đổi bổ sung theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP).

Thuế suất 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hoá.

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động.

Được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được của dự án nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư trong thời hạn 5 năm.

Miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động.

Được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư trong thời hạn 5 năm.

Bình Thuận: Chuẩn bị khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1

Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 được UBND tỉnh Bình Thuận chọn là công trình khởi công chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022) và lễ khởi công diễn ra vào ngày 30/8/2022.

img

Mô hình KCN Sơn Mỹ 1. Ảnh: BTO

Khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ 1 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ làm chủ đầu tư có tổng diện tích hơn 1.000 ha nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân.

Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước đây thì dự án có tổng vốn khoảng 2.300 tỷ đồng, tuy nhiên thời gian qua chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư có biến động lớn và tính toán sau khi hoàn thành thiết kế chi tiết, hiện tổng mức đầu tư dự án là khoảng 9.000 tỷ đồng…

Theo định hướng, KCN Sơn Mỹ 1 sẽ lấy năng lượng làm trung tâm và được đầu tư phát triển là KCN thông minh, từ đó khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý cũng như tiềm năng của dự án. Tỉnh Bình Thuận hy vọng, KCN Sơn Mỹ 1 khi hình thành sẽ trở thành tâm điểm phát triển kinh tế phía nam Bình Thuận và khu vực lân cận…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem