Bộ GD-ĐT đánh giá kết quả thực hiện đổi mới chương trình, SGK: Học sinh lớp 1 nổi trội hơn một số mặt

Tào Nga Thứ năm, ngày 19/08/2021 20:58 PM (GMT+7)
Dù dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng kết quả cho thấy học sinh lớp 1 nổi trội hơn một số mặt so với chương trình hiện hành.
Bình luận 0

Triển khai chương trình, SGK nhiều khó khăn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, toàn ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép trong năm học 2020-2021: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp vừa triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1. Vì vậy năm học được triển khai trong bối cảnh có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước.

Theo Bộ GD-ĐT, đối với học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1, trước khi đi học các em chủ yếu ở nhà (khoảng 6 tháng, từ tháng 2/2020 đến hết tháng 8/2020) nên hầu như không được trực tiếp học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi trên lớp. Việc được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được. 

Bộ GD-ĐT đánh giá kết quả thực hiện đổi mới chương trình, SGK: Học sinh lớp 1 nổi trội hơn một số mặt - Ảnh 1.

Học sinh Trường Tiểu học Mê Linh, Hà Nội nhập học năm 2020. Ảnh: Phạm Hưng

Mặt khác do tình hình dịch Covid-19 nên năm học 2020-2021 học sinh các cấp học được tổ chức học chính thức sau ngày khai giảng 5/9, (không có 2 tuần làm quen nền nếp, tâm lí cho học sinh lớp 1 như các năm học khác) để học sinh và giáo viên tổ chức làm quen tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh lớp 1.

Về phía giáo viên, đặc biệt là giáo viên lớp 1, do tình hình dịch Covid-19, ngành giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, nhiệm vụ mới, tập huấn với hình thức mới, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên vì vậy có những lúng túng bước đầu khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và SGK mới ở lớp 1.

Về chương trình và SGK GDPT 2018, Chương trình GDPT 2018 chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt; SGK không biên soạn theo tiết như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng. Đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn. 

Qua kiểm tra thực tế cho thấy giáo viên, nhà trường một số nơi chưa tự tin và có sự lúng túng khi thực hiện giai đoạn đầu năm học 2020-2021; cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình nên có biểu hiện lo lắng, so sánh chương trình, SGK cũ và chương trình và SGK mới, gây áp lực cho học sinh, giáo viên và nhà trường…

Học sinh lớp 1 nổi trội hơn một số mặt

Qua tổng kết, đánh giá, Bộ GD-ĐT cho biết, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông đối với cấp tiểu học, đặc biệt đối với lớp 1; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh...

100% trường tiểu học ưu tiên thực hiện đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học đối với học sinh lớp 1; đảm bảo tỉ lệ giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình GDPT 2018.

Bộ GD-ĐT đánh giá kết quả thực hiện đổi mới chương trình, SGK: Học sinh lớp 1 nổi trội hơn một số mặt - Ảnh 2.

Học sinh trường Tiểu học Mê Linh, Hà Nội trong ngày khai giảng năm 2020. Ảnh: Phạm Hưng

100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lí giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học; thời khóa biểu đã được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lí về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học.

Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 cho thấy tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành; học sinh mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học cơ bản đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

Liên quan đến SGK mới, Bộ GD-ĐT cho biết để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong SGK, Bộ GD-ĐT đã tập trung chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

Các Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn, nội dung ngữ liệu phù hợp để bổ sung, thay thế (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học phù hợp với trình độ của học sinh và mục tiêu, yêu cầu cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem