Bộ GDĐT đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS toàn quốc từ năm học tới

Tào Nga Thứ hai, ngày 04/07/2022 15:17 PM (GMT+7)
Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023 tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (4/7).
Bình luận 0

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 ngày 4/7, Bộ GDĐT kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện, đồng thời giao Bộ GDĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định 81 để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023-2024.

Theo đó, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị, đối với học phí giáo dục mầm non công lập năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục mầm non chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, Bộ GDĐT đề nghị giữ ổn định học phí như năm học 2021-2022. Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình UBND cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.

Bộ GDĐT đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học tới - Ảnh 1.

Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. Ảnh: Bộ GDĐT

Đối với các địa phương đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023.

Từ năm học 2023-2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.

Tại phiên họp, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc kể từ năm học 2022-2023.

Cụ thể, đối với hệ THCS, Bộ GDĐT đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) từ năm học 2022 – 2023 (ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí: 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học). Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm từ 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Đối với hệ THPT, Bộ GDĐT đề nghị giữ ổn định mức học phí như năm học 2021 – 2022 cho cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với cơ sở giáo dục THPT tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.

Đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết định mức thu học phí năm học 2022 – 2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021 – 2022, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021 – 2022  đến hết năm học 2022 – 2023. Từ năm học 2023 – 2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí đối với trung học phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Đối với giáo dục đại học (GDĐH) công lập, lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm. Năm học 2022-2023, mức học phí của cơ sở GDĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% theo Nghị định 81 là 25% so với năm học 2021-2022...

Với nội dung này, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.

Hiện tại, theo Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập cả nước không phải đóng học phí. Một số địa phương áp dụng chính sách miễn học phí cho học sinh trong năm 2021-2022.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp thành phố Hải Phòng thực hiện việc miễn học phí cho học sinh các cấp học trên địa bàn. Theo lãnh đạo Sở GDĐT Hải Phòng, việc làm này là động lực cho học sinh học tập tốt và tạo tâm lý ổn định cho nhân dân lao động trên địa bàn thành phố, góp phần giữ chân người tài, tạo công bằng xã hội trong giáo dục, an sinh xã hội.

Học sinh các trường công lập và ngoài công lập từ bậc mầm non đến THPT (trừ các trường vốn đầu tư nước ngoài) ở Quảng Ninh cũng được tỉnh hỗ trợ 100% học phí trong năm học 2021 - 2022, với kinh phí dự kiến khoảng 138 tỉ đồng.

Thành phố Đà Nẵng được hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2021-2022 do Hội đồng nhân dân thành phố quy định; thời gian hỗ trợ trong 9 tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem