Đề xuất kéo dài thời hạn sử dụng đầu máy tàu "cứu" đường sắt

Thế Anh Thứ hai, ngày 10/07/2023 10:37 AM (GMT+7)
Bộ GTVT đề xuất cho phép các phương tiện đường sắt hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2030 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.
Bình luận 0

Đầu máy trên 40 năm vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay, đường sắt có khoảng 140 đầu máy có thời gian sử dụng trên dưới 40 năm nhưng vẫn khai thác tốt.

Đơn cử, có 31 đầu máy D9E của Mỹ, chế tạo từ năm 1963; 16 đầu máy D18E của Bỉ, chế tạo năm 1983; 30 đầu máy D10H do Trung Quốc chế tạo các năm 1978, 1979, 1983 và 1984...

Về toa xe, có hơn 1.400 toa xe hàng và 168 toa xe khách đã khai thác hơn 40 năm và khoảng 590 toa xe hàng, 100 toa xe khách đã khai thác từ 30-40 năm.

Đề xuất kéo dài thời hạn sử dụng đầu máy tàu "cứu" đường sắt - Ảnh 1.

Hệ thống đường sắt quốc gia đang được khai thác. Ảnh: TA

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đầu năm 2023, hội đồng đánh giá chất lượng kỹ thuật phương tiện giao thông đường sắt đã tiến hành đánh giá các đầu máy, toa xe có thời gian sử dụng trên 40 năm của đường sắt Việt Nam.

Kết quả, hội đồng đánh giá, các phương tiện đầu máy, toa xe hiện nay có chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa được đảm bảo và tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy chuẩn, quy trình sửa chữa bảo dưỡng, sửa chữa hiện hành, do đó các phương tiện trên 40 năm vẫn còn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo an toàn trong vận dụng.

Tất các chủng loại đầu máy hiện nay sau khi sử dụng trên 40 năm tại các xí nghiệp đầu máy thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do đã được nâng cấp, cải tạo trong thời gian gần đây, nên các thông số kỹ thuật của các hệ thống, bộ phận chi tiết đều thỏa mãn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành đường sắt, Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định mới liên quan đến quy định về niên hạn đầu máy toa xe đường sắt.

Cụ thể, tại Nghị định số 65/2018, đầu máy và toa xe chở khách có niên hạn sử dụng là 40 năm, toa xe chở hàng là 45 năm và lộ trình thực hiện, bắt đầu thực hiện từ năm 2020.

Trong thời gian dịch Covid-19 lan rộng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn,Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2022, điều chỉnh lộ trình niên hạn của phương tiện đường sắt bắt đầu áp dụng từ ngày 31/12/2020 được kéo dài đến ngày 31/12/2023.

Đề xuất kéo dài thời hạn sử dụng đầu máy tàu "cứu" đường sắt - Ảnh 2.

Đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: VNR

Kéo dài thời gian hoạt động của đầu máy

Tại dự thảo mới này, Bộ GTVT đề xuất cho phép các phương tiện đường sắt hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2030 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.

Đề xuất này nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong điều kiện không bố trí được nguồn vốn đầu tư.

Vì vậy, cần tận dụng các phương tiện giao thông đường sắt có niên hạn sử dụng vượt quá quy định hiện hành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn.

Hơn nữa, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, toàn bộ các đầu máy, toa xe đang có hiện tại của các doanh nghiệp đường sắt sẽ phải dừng hoạt động và thay thế mới toàn bộ trước năm 2050.

Như vậy, nếu đầu tư mới, thời gian sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt tối đa là 27 năm (thấp hơn niên hạn sử dụng phương tiện) sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế.

Theo kế hoạch xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), tháng 10/2025 sẽ trình dự thảo để Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2027. Bộ GTVT cũng đang hoàn thiện Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017, trong đó có định hướng sửa đổi quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.

Trong thời gian đề xuất kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đến 2030 khi Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành được 3 năm để doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có thời gian thích ứng với quy định mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem