Bộ KH&CN sát cánh cùng KH&CN địa phương

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 28/04/2017 15:50 PM (GMT+7)
Ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ KH&CN cam kết sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng để địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động này mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bình luận 0

Nỗ lực vượt bậc của ngành KH&CN

Cam kết được Bộ trưởng Bộ KHCN đưa ra tại Hội nghị Giám đốc các Sở KH&CN toàn quốc được tổ chức trong tháng 4 này.

Theo đánh giá của Bộ KH&CN năm 2016, hoạt động KH&CN cả nước nói chung và hoạt động KH&CN địa phương nói riêng nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo rất sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

img

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhận định KH&CN đã góp phần rất quan trọng đưa một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đứng top đầu trên thế giới về xuất khẩu như cà phê, cao cao ... Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng hoạt động KH&CN địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi một số Nghị định, Thông tư.

“Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN năm 2017 được tổ chức với mong muốn được lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Sở KH&CN về những thuận lợi, kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại,  khó khăn, qua đó đề xuất giải pháp phát triển KH&CN của địa phương năm 2017 và những năm tiếp theo” - Thứ trưởng Tạc chia sẻ.  

Ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ  trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho biết hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ... 

Bên cạnh đó, Khoa học Xã hội và Nhân văn đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, giúp các cơ quan chức năng hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đất nước bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tại Hội nghị nhiều Giám đốc Sở KH&CN đã đánh giá cao  những nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc tạo hành lang pháp lý cho KH&CN phát triển. Các đại biểu cũng đã có những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động KH&CN tại địa phương.

Cụ thể, tập trung vào các vấn đề: rà soát để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15.10.2014; sớm ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14.6.2016 của Chính phủ “Quy định chế độ tự chủ của tổ chức KH&CN công lập” để có căn cứ triển khai; bổ sung, chỉnh sửa Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKH&CN.  

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề xuất Bộ KH&CN cần sớm có những điều chỉnh, sửa đổi về hoạt động Qũy Phát triển KH&CN Quốc gia; Vướng mắc trong cổ phần hóa các Trung tâm ứng dụng; Chương trình năng suất chất lượng…

Đồng hành cùng các địa phương

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN trong cả nước thời gian qua.

“Rất nhiều công việc, địa phương đã thể hiện tính chủ động, đi đầu giải quyết. Với trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về hoạt động KH&CN, các lãnh đạo Sở KH&CN ở địa phương đã vượt qua khó khăn thể hiện vai trò của mình. Thành công của hoạt động KH&CN từ địa phương cũng là của Bộ của ngành KH&CN và ngược lại khó khăn của các đồng chí cũng là điều trăn trở của Bộ và cá nhân tôi”- ông Chu Ngọc Anh chia sẻ.

Về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để trình xem xét sửa đổi các Luật có liên quan đến KH&CN do Bộ chủ trì.

Bên cạnh đó, chú trọng việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các Luật khác có nội dung tác động đến hoạt động KH&CN để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống Luật. Chủ động trình Chính phủ xem xét, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến KH&CN đang còn bất cập.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN địa phương trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm như: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, nhất là trong phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực của Vùng theo chuỗi giá trị”.

Bộ KH&CN cũng ưu tiên những nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành; sát cánh hơn cùng với doanh nghiệp tạo lập liên kết 4 nhà “nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông”. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai.

“Bộ KH&CN sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để  tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng đề địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”  - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem