Bộ KH&ĐT lên tiếng về đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu với dự án BT 63.500 tỷ

Thái Bình Thứ sáu, ngày 20/10/2017 16:12 PM (GMT+7)
Về văn bản 6929/SKHĐT-PPP ngày 19.7 của Sở KH&ĐT TP.HCM về việc đề nghị thẩm định đề xuất Dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn, Bộ KH&ĐT đã có văn bản 7547/BKHĐT-QLĐT phúc đáp. Theo đó, nhiều đề xuất của nhà đầu tư (Tập đoàn Tuần Châu – Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh) bị cho là chưa rõ ràng, không phù hợp với quy định hiện hành.
Bình luận 0

Quỹ đất đối ứng tương đương 5% diện tích TP.HCM!

Theo quy định liên quan tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, nội dung đề xuất dự án phải bao gồm các nội dung: sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự kiến phương án tổng thể bồi thường, GPMB, tái định cư, dự kiến điều kiện thực hiện dự án khác (đối với dự án thực hiện theo hợp đồng BT), phân tích sơ bộ phương án tài chính dự án. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, đề xuất dự án của Tập đoàn Tuần Châu – Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh chưa làm rõ nhiều nội dung.

img

Nhà đầu tư đề xuất quỹ đất đối ứng tương đương 5% diện tích TP.HCM!

Thứ nhất, về quy hoạch, cần làm rõ sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển GTVT của TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của TP.HCM.

Thứ hai, về vốn đầu tư Nhà nước tham gia thực hiện dự án tại hồ sơ đề xuất, nhà đầu tư đề xuất được phân bổ chi phí GPMB và chi phí xây lắp, tư vấn, dự phòng lên tới 57.568 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay của nhà đầu tư). Bộ KH&ĐT nêu rõ, đối chiếu quy định liên quan tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, đề xuất này của Tập đoàn Tuần Châu – Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh là không phù hợp. Chưa hết, trường hợp Dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên thì cần được trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư Công.

Đặc biệt, về quỹ đất để thực hiện dự án BT và dự án khác. Nhà đầu tư đề xuất UBND TP.HCM bố trí quỹ đất có diện tích rất lớn khoảng 12.398ha để thực hiện dự án (gồm quỹ đất để xây dựng công trình BT và thanh toán cho nhà đầu tư) – tương đương khoảng 5% tổng diện tích TP.HCM. Bộ đề nghị Sở tham mưu TP.HCM xem xét tính khả thi của việc bố trí quỹ đất này trong bối cảnh nguồn lực đất đai hiện rất hạn chế.

Do dự án có quy mô lớn và phức tạp, cần đánh giá kỹ tác động về KT-XH, Quốc phòng – An ninh, môi trường của Dự án đối với người dân tại khu vực dự án nói riêng và TP.HCM nói chung…

Yêu cầu chứng minh năng lực và không chỉ định thầu

Do Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và gồm nhiều hạng mục phức tạp (như kết hợp giữa cầu vượt, đại lộ), Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP.HCM lấy ý kiến của Bộ Xây dựng về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư được đề xuất. Đồng thời, việc xác định giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán cho nhà đầu tư cần đảm bảo ngang giá với giá trị dự án BT theo quy định tại Quyết định 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 183/2015/TT-BTC.

img

Bộ KH&ĐT cho biết dự án không thuộc trường hợp thực hiện theo hình thức chỉ định thầu

Đáng chú ý, nhận định dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, Bộ KH&ĐT đề nghị nhà đầu tư cần chứng minh khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến huy động vào Dự án, tiến độ huy động vốn cũng như sự sẵn sàng của các bên cho vay đối với Dự án nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án, đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay theo quy định pháp luật.

Cuối cùng, về lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư đề xuất được chỉ định thực hiện dự án theo quy định tại Luật Đấu thầu (chỉ định thầu do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn). Nhưng, Bộ KH&ĐT cho biết trong văn bản, theo thông tin do Sở KH&ĐT TP.HCM cung cấp, Dự án không thuộc các trường hợp nêu trên. Do đó, Bộ đề nghị tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem