Bộ LĐTBXH: Cần nghiên cứu kỹ trước đề xuất Covid-19 là bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 24/09/2021 12:20 PM (GMT+7)
Đồng tình với đề xuất đưa Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH, tuy nhiên nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an toàn lao động cho rằng, cần phải mở rộng danh mục đối tượng có thể mắc bệnh nghề nghiệp, cũng như cần có nghiên cứu cụ thể để có đề xuất phù hợp hơn.
Bình luận 0

Nên mở rộng đối tượng mắc bệnh nghề nghiệp do SARS-CoV-2

Về đề xuất Covid-19 là bệnh nghề nghiệp hưởng BHXH, sáng 24/9, trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Bùi Đức Nhưỡng - Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, Cục vừa tiếp nhận thông tin này.

Khi được hỏi về quan điểm trước đề xuất của Bộ Y tế, ông Nhưỡng nói: "Theo tôi, bệnh gì mà phát sinh trong quá trình lao động, ảnh hưởng tới người lao động thì là bệnh nghề nghiệp. Điều này cũng được Tổ chức Lao động Quốc tế khẳng định".

Tuy nhiên, để xác định Covid-19 có phải là bệnh nghề nghiệp hay không thì còn phụ thuộc vào quy trình chẩn đoán, xác minh phân biệt với các bệnh khác. Nhiều bệnh phát sinh trong quá trình làm việc nhưng chưa chắc đã được công nhận là bệnh nghề nghiệp.

"Ví dụ chúng ta ngồi máy tính nhiều, mắt cận, mắt mỏi, nhưng đó cũng không phải là bệnh nghề nghiệp", ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cũng cho biết, tất cả quy trình từ nghiên cứu, xác định, ban hành danh mục bệnh nghề nghiệp đều do Bộ Y tế chủ trì. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định 34 bệnh nghề nghiệp hiện có ở Việt Nam.

Nếu có thể nên mở rộng đề xuất thêm đối tượng là người lao động bị bệnh SARS-CoV-2 trong danh mục bệnh nghề nghiệp. Ảnh: Công nhân may tại Công ty May 10 - N.T

Nếu có thể nên mở rộng đề xuất thêm đối tượng là người lao động bị Covid-19 trong danh mục bệnh nghề nghiệp. Ảnh: Công nhân may tại Công ty May 10 - N.T

Cũng trong sáng nay, 24/9, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng đề xuất này là chính đáng.

"Thực tế, có một bộ phận nhân viên chống dịch đã bị nhiễm bệnh tử vong, hơn nữa căn cứ vào một số chính sách hiện hành liên quan thì đưa yếu tố bệnh dịch đặc biệt nguy hiểm như Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp là hợp lý, chính đáng", ông Thơ nói.

Tuy nhiên, theo ông Thơ các đối tượng mà Bộ Y tế đề xuất mới dừng lại ở những người chống dịch, thực tế còn nhiều đối tượng tham gia BHXH mà nhiễm SARS-CoV-2 tại nơi làm việc từ những người khác cũng nên được bổ sung. Khi có yếu tố sinh học phát sinh trong môi trường làm việc gây nên bệnh cho người lao động thì cần xác định rõ các chính sách quy định về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Luật An toàn vệ sinh lao động.

Cũng theo ông Thơ, hiện Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động cũng đang tiến hành làm các nghiên cứu cụ thể để có đề xuất phù hợp, đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng cho người lao động.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ ngành

Trước đó, Bộ Y tế nhận định bệnh Covid-19 được xem là bệnh nghề nghiệp khi phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

Bộ này cũng cho biết, Bộ đang lấy ý kiến đóng góp tại dự thảo Thông tư bổ sung bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Theo đề xuất của Bộ Y tế, bệnh Covid-19 được xem là bệnh nghề nghiệp khi phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

Cần nghiên cứu kỹ trước đề xuất đưa SARS-CoV-2 vào bệnh nghề nghiệp - Ảnh 2.

Đại diện Bộ LĐTBXH cho rằng: "Không phải bệnh nào phát sinh trong quá trình làm việc cũng được công nhận là bệnh nghề nghiệp". Ảnh: Vũ Lợi

Đối tượng và công việc thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh này là người lao động làm việc tại phòng thí nghiệm SARS-CoV-2 (lấy mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu); người lao động làm việc, phục vụ trong các bệnh viện điều trị người nhiễm Covid-19, khu cách ly tập trung, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ người nhiễm Covid-19 tại nhà; người lao động tham gia vận chuyển đường không, đường bộ phục vụ người nhiễm Covid-19, khu vực cách ly, điều trị, thi hài người mất do Covid-19.

Người lao động tham gia khâm liệm, bảo quản, thiêu đốt, mai táng thi thể người mất do Covid-19; người lao động tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2; người lao động tham gia phòng chống dịch phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 (nhân viên hải quan, ngoại giao, làm công tác xuất nhập cảnh; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng quân đội/công an); người lao động làm các nghề/công việc khác tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Tiêu chí xác định là người lao động phải có bản sao hợp pháp, hợp lệ Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận mắc bệnh Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật real-time RT-PCR, hoặc xét nghiệm tương đương theo quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời, người lao động phải có biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với SARS-CoV-2 hoặc văn bản cử đi tham gia phòng chống dịch, phục vụ, hỗ trợ người nhiễm SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận và đóng dấu.

Những biên bản này thay thế kết quả quan trắc môi trường lao động hoặc biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.

Đặc biệt, bệnh Covid-19 nghề nghiệp có các tổn thương cơ thể ổn định, không để lại di chứng được xác định mức tỷ lệ tổn thương là 15%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem