Bỏ lúa trồng 1.400 gốc bưởi da xanh, doanh thu hơn 1 tỷ đồng

Thứ ba, ngày 13/03/2018 19:30 PM (GMT+7)
Anh Tăng Tấn Hưng, ngụ ở ấp Phú An A, xã Phú Vĩnh, huyện Tân Phú (An Giang) đã mạnh dạn bỏ trồng lúa ở 1ha diện tích canh tác chuyển sang trồng bưởi da xanh. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi da xanh của anh Hưng rất thành công khi vườn bưởi 1.400 cây cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Phú Vĩnh, huyện Tân Châu phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Tăng Tấn Hưng là một điển hình về chuyển đổi từ cây lúa sang cây bưởi da xanh.

img

Theo anh Tăng Tấn Hưng, trong trồng bưởi da xanh, quá trình xử lý đất, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh đang phát triển xanh tốt, anh Hưng kể, trước đây, gia đình có 4ha đất trồng lúa, thu nhập không cao, chi phí đầu tư lớn, giá cả bấp bênh, luôn bị thương lái ép giá. Thấy không hiệu quả, anh Hưng chuyển sang trồng cỏ nuôi bò nhưng rồi thu nhập cũng thấp, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2013, sau thời gian tìm tòi, tham quan, học tập các mô hình trồng cây ăn trái ở các địa phương lân cận, anh Hưng mạnh dạn chuyển đổi 3.000m2 đất trồng lúa sang trồng 400 gốc bưởi da xanh.

img

Anh Tăng Tấn Hưng chăm sóc những lứa trái bưởi da xanh đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ (NNVN).

Là người đâu tiên đưa cây bưởi về vùng đất Tân Châu nên anh Hưng chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, dẫn đến lứa bưởi đầu tiên không cho năng suất như mong đợi. Ngoài ra, do đây là loại cây trồng mới nên đầu ra gặp nhiều khó khăn, thương lái không đến vườn mua nên vợ chồng anh phải vận chuyển rất xa để bán.

Anh Hưng cho biết: “Mỗi vùng đất khác nhau, cây bưởi da xanh cần có chế độ chăm sóc khác nhau. Tuy nhiên, nếu muốn có năng suất tốt cần rất nhiều yếu tố. Điều quan trọng là phải chọn được giống cây tốt và sạch bệnh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, đúng kỹ thuật ...

Không nản chí, anh Hưng dành thời gian đến những vườn bưởi da xanh cho năng suất cao ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để trực tiếp học tập kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, bảo vệ và chăm sóc bưởi da xanh.

Bên cạnh đó, anh Hưng còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp được tổ chức tại địa phương và tham khảo trên sách, báo để chọn lọc những kiến thức bổ ích nhằm áp dụng vào vườn bưởi da xanh của mình.

Sau nhiều mùa đạt hiệu quả, anh Hưng đã chuyển hẳn 1ha đất lúa của gia đình sang trồng 1.400 gốc bưởi da xanh. Theo anh Hưng, trồng bưởi da xanh không dễ, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư và chi phí lao động rất lớn. Bên cạnh kinh nghiệm và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn phải nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, tình hình giá cả thị trường để thu được lợi nhuận cao nhất.

img

Nhờ trồng theo hướng canh tác bền vững nên vườn bưởi da xanh của anh Tăng Tấn Hưng cho những trái đẹp, được khách hàng ưa chuộng. 

Theo anh Hưng, nhiều nhà vườn muốn có thu nhập nhanh nên trồng với mật độ rất dầy, khoảng cách các cây chỉ khoảng 1m, sau vài năm phải đốn bỏ vì năng suất giảm. Do đó, để cây bưởi da xanh cho năng suất cao, trái to, đều thì mật độ trồng phải thưa, cây không bị che nắng...Thêm vào đó là quá trình xử lý đất, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... Nhờ vậy, vườn bưởi của anh Hưng có thời gian thu hoạch lâu hơn (8-10 năm), luôn cho trái to và đẹp, được thương lái tìm đến tận vườn để mua với giá cao.

Nhờ chí thú làm ăn, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã giúp anh Hưng xây dựng mô hình kinh tế vững vàng. Với giá bán trung bình từ 40.000-60.000 đồng/kg, mỗi năm vườn bưởi của anh Hưng cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Từ hiệu quả vườn bưởi da xanh của anh Hưng, nhiều hộ dân ở xã Phú Vĩnh đã chủ động tìm đến nhằm học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, tất cả đều được anh Hưng nhiệt tình hướng dẫn, thậm chí cho họ vay tiền mua cây giống.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh Lê Thanh Tùng cho biết, mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái của anh Tăng Tấn Hưng cần được nhân rộng và phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Đây là hướng đi mới trong việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững.
Đức Toàn (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem