Bộ NNPTNT thông tin về dự án công trình thủy lợi khổng lồ Ia Mơr dung tích 178 triệu m3

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 17/06/2022 20:25 PM (GMT+7)
Bộ NNPTNT cho biết, Dự án công trình thuỷ lợi hồ chứa nước Ia Mơr được khởi công năm 2007, nhưng do trượt giá mạnh vào các năm 2011, 2012 nên phải giãn tiến độ xây dựng sau năm 2015. Đến nay, nguồn vốn đã bố trí cho dự án là 2.452 tỷ đồng.
Bình luận 0

Bộ NNPTNT thông tin về dự án công trình thủy lợi khổng lồ Ia Mơr

Chiều 17/6, Bộ NNPTNT đã thông tin chi tiết về việc dư luận xã hội và báo chí đang quan tâm tới Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr, nằm trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.

Theo Bộ NNPTNT, đây là dự án thuộc nhóm A, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án này được đánh giá có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng biên giới và phát triển kinh tế, xã hội khu vực.

 Dự án được Thủ tướng Chính phủ thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 1998, cho phép đầu tư năm 2005 và phân công.

Với dự án này, Bộ NNPTNT phê duyệt dự án đầu tư, quản lý vốn và tổ chức thực hiện Hợp phần xây dựng (hồ chứa, hệ thống kênh chính và kênh cấp 1). 

 UBND các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk quản lý vốn, tổ chức thực hiện Hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn và đầu tư hệ thống kênh cấp dưới.

Bộ NNPTNT phê duyệt dự án đầu tư Dự án hồ chứa nước Ia Mơr từ năm 2005 và phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn, gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr, với tổng mức đầu tư trên dưới 3.000 tỉ đồng. 

Bộ NNPTNT thông tin về Dự án công trình thủy lợi "khổng lồ" Ia Mơr công suất 178 triệu m3 - Ảnh 1.

Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: Lê Nam

Dự kiến khi hoàn thành, dự án sẽ tạo nguồn, cấp tưới cho hơn 14.000 ha đất nông nghiệp, trong đó địa bàn huyện Ia Súp (Đắk Lắk) là 4.000ha. 

Theo thiết kế, công trình hồ chứa nước Ia Mơr (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) với diện tích mặt nước hơn 2.800 ha, có nhiệm vụ chính là tưới, cấp nước cho 12.500 ha đất canh tác thuộc hai huyện Chư Prông (Gia Lai), Ea Súp (Đắk Lắk).

Bên cạnh đó, dự án tạo nguồn nước sinh hoạt cho 50.000 người dân, kết hợp giảm lũ cho hạ lưu, nuôi trồng thủy sản và du lịch…

Cũng theo Bộ NNPTNT, dự án khởi công năm 2007 nhưng trượt giá mạnh vào các năm 2011-2012 nên phải giãn tiến độ sau năm 2015 theo chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cho phép nhân kỳ đầu tư, vốn đã bố trí đến nay là 2.452 tỷ đồng. 

Kết quả, dự án hồ chứa nước Ia Mơr đã xây dựng hoàn thành hồ Ia Mơr, tạo kho nước 178 triệu m3; hồ Pleipai 20,9 triệu m3 và đập dâng Ia Lốp, hoàn thành xây dựng hệ thống kênh chính, kênh Đông, kênh Tây.

 Tổng diện tích đã tưới được 7.170ha, trong đó trên địa bàn Gia Lai là 3.170ha và Đắk Lắk là 4.000ha.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ đang tổ chức lập hồ sơ dự án xây dựng các kênh nhánh tiếp nối hệ thống kênh chính đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai để phục vụ tưới 2.279ha đất nông nghiệp. Đến nay, dự án đã đảm bảo đủ năng lực cấp nước tưới cho 14.347ha. 

Khu tưới thực tế đã hình thành, người dân đang sản xuất nông nghiệp khoảng 9.449ha, đạt 66% nhiệm vụ thiết kế. Còn lại 4.898ha thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai cần phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để tạo khu tưới.

Bộ NNPTNT cũng thông tin thêm, việc chuyển mục đích sử dụng rừng (4.757 ha rừng) để làm khu tưới trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị chậm tiến độ, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án và chưa phát huy tối đa nhiệm vụ đặt ra của dự án cũng có nguyên nhân. 

Khách quan là do Dự án thiếu vốn phải gián đoạn đầu tư, giãn tiến độ hoàn thành sau năm 2015, thay đổi chính sách về lâm nghiệp, trong đó thay đổi thủ tục và thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng. 

Về chủ quan là do thiếu quyết liệt, đôn đốc kiểm tra phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan chủ quản Bộ với địa phương…

Để phát huy tối đa hiệu quả công trình, đáp ứng đúng mục tiêu, nhiệm vụ ban đầu của Dự án, tỉnh Gia Lai đang hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng còn lại, trình Chính phủ và Quốc hội xem xét. 

Mặt khác, Bộ NNPTNT cũng đang làm việc với hai tỉnh và giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu thêm phương án đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn nước hồ chứa nước và hạn chế tối đa việc phải chuyển mục đích sử dụng rừng. 

Theo hướng: Ưu tiên cấp nước tối đa cho diện tích đất canh tác chưa được tưới nước khu vực thuộc địa bàn Gia Lai, còn lại cấp nước cho khoảng 3.500-6.000ha thuộc khu tưới trên địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk, người dân đang sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có công trình tưới. 

Những vấn đề trên, Bộ cũng đã báo cáo trực tiếp và bằng văn bản cho Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Bộ và tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng và Quốc hội thông qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem