Bộ Tài chính đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật

27/08/2024 06:05 GMT+7
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong các quy định Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật, gồm Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện văn bản 322/TB-VPCP ngày 15/7/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật, cụ thể là "Tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc có tính cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô". Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo

Đối với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Điều như Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại cơ quan nhà nước (Điều 39); Hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước (Điều 40); Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh (Điều 56); Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê (Điều 57); Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết (Điều 58).

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến Phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản (các Điều 80, 81), các quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công, quy định về áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác. 

Tổng cộng có 15 Điều trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Bộ Tài chính đưa ra nhằm sửa đổi, bổ sung.

Vấn đề về quản lý, sử dụng tài sản công được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi. Ảnh minh hoạ.

Về Luật Kiểm toán độc lập, các quy định được đưa ra sửa đổi như Điều 16 về những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán; khoản 3 Điều 18 về nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề; điểm b khoản 4 Điều 21 về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Điều 37 về đơn vị được kiểm toán; khoản 8 Điều 39 về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán; khoản 4 Điều 53 về đơn vị có lợi ích công chúng; khoản 2 Điều 54 về chấp thuận doanh nghiệp được kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng; Điều 60 về xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập.

Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 Điều của Luật Quản lý thuế, bao gồm quy định về Nguyên tắc quản lý thuế (Điều 5); Hiện đại hóa công tác quản lý thuế (Điều 11); Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 15); Quyền của người nộp thuế (Điều 16); Nguyên tắc khai thuế, tính thuế (Điều 42); Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế (Điều 59); Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh (Điều 66); Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế (Điều 75); Thẩm quyền quyết định hoàn thuế (Điều 76); Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (Điều 90); Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế (Điều 98); Trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (Điều 124); Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế (Điều 125).

Vũ Khoa
Cùng chuyên mục