Bộ Tài chính khẳng định Vietlott không sai, dư luận vẫn chưa thôi nghi ngờ

Hoàng Thắng Thứ bảy, ngày 04/02/2017 06:07 AM (GMT+7)
Dù Bộ Tài chính đã có công văn trả lời gửi UBND các tỉnh, thành khẳng định sự minh bạch của Công ty xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), song nhiều người vẫn chưa hết nghi ngờ đối với các giải thưởng jackpot thời gian qua.
Bình luận 0

img Nhiều nghi vấn được đặt ra khi ông N.T.L và ông P.V.V mặc trang phục gần như giống hệt nhau khi nhận giải

Bộ Tài chính khẳng định Vietlott không sai

Trong công văn số 1151/BTC-TCNH ban hành ngày 24.1.2017 gửi các địa phương, Bộ Tài chính nhấn mạnh khuôn khổ pháp lý với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán của Vietlott đã được các cơ quan ban hành đầy đủ và trước khi làm, Bộ đã có công văn gửi các tỉnh, thành để thông báo kế hoạch kinh doanh của Vietlott. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở ban ngành tạo điều kiện cho Vietlott kinh doanh thuận lợi, tuân thủ các quy định của pháp luật, hỗ trợ công ty thực hiện các nghĩa vụ thu nộp ngân sách.

Việc hạch toán doanh thu, chi phí và thu nhập của Vietlott, toàn bộ thuế và lợi nhuận (sau khi trả thưởng, lập quỹ…) của Công ty Vietlott được hoạch toán và phân bổ về ngân sách các địa phương theo tỷ lệ doanh số bán vé.

Việc nhiều địa phương ở các tỉnh phía Nam phản ánh trạng vé số Vietlott được in sẵn các số dự thưởng đưa người đi bán dạo với giá 11.000 đồng hoặc 12.000 đồng, cao hơn giá quy định từ 1.000 - 2.000 đồng/vé và một số doanh nghiệp, người dân kinh doanh xổ số Vietlott trái phép trên địa bàn một số tỉnh, thành dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của vé số truyền thống trên địa bàn, Bộ Tài chính khẳng định đây là “hoạt động tự phát của các cá nhân”chứ không phải chủ trương của Vietlott.

Nội dung văn bản nêu rõ: “Do sản phẩm có tính mới lạ, nhu cầu của thị trường rất lớn, nhất là tại các địa bàn mà Vietlott chưa triển khai nên có một số tổ chức, cá nhân đã mua vé số điện toán tại các địa phương đang triển khai và đi bán lại tại các tỉnh, thành phố khác với giá bán cao hơn từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng để hưởng chênh lệch”.

Mua vé 10.000 bán 12.000 đồng: Kịch bản nằm ngoài tưởng tượng

Trước đó, tại hội nghị Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam tổ chức ngày 17.1.2017 tại Sóc Trăng,  ông Nguyễn Hoàng Dương - phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: "Cái gọi là “sai phạm” như các công ty XSKT “tố” Vietlott, nếu sau này các cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện Vietlott in vé, tiếp tay hoạt động kinh doanh không đúng địa bàn, không đúng mệnh giá thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật".

“Khi chúng tôi làm đề án không ngờ người dân mua vé 10.000 đồng ra bán 12.000 đồng, đây là kịch bản nằm ngoài tưởng tượng”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, với sai phạm hiện hữu mang tính công khai, như ở Sóc Trăng Vietlott chưa phân phối mà có đại lý giăng biển bán xổ số điện toán, xổ số kiểu Mỹ... thì có thể xử lý ngay được. Còn việc người đem vé Vietlott đi bán rong, ông Dương cho rằng xử lý có khó khăn.

img

Khó có thể xử lý những người bán vé dạo

Liên quan tới vấn đề này, T.S Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc một số tổ chức, cá nhân bán vé số Vietlott với mức giá cao hơn so với quy định của Vietlott là sự vi phạm trực tiếp quy định về kinh doanh.

T.S Nguyễn Minh Phong nói: “Số tiền chênh lệch sẽ rơi vào túi người bán, do đó người mua không nên mua những tờ vé số được bán với giá cao hơn so với mệnh giá phát hành. Không nên mua vé từ những người bán dạo, cơ sở bán vé không được cấp phép. Trường hợp những những người bán dạo, cơ sở bán vé không được cấp phép kia vẫn tồn tại được thì đó là lỗi của người mua và đơn vị quản lý”.

Hoài nghi xung quanh người đeo mặt nạ

Bên cạnh những bí ẩn xung quanh hoạt động kinh doanh cũng như hiệu quả kinh doanh của Vietlott, dư luận vẫn băn khoăn về tính minh bạch khi thông tin xung quanh người trúng thưởng luôn được giữ kín. Đặc biệt, trong hơn 1 tháng qua, Vietlott đã lập kỷ lục khi có 5 người trúng giải thưởng Jackpot và tất cả đều được xác định mua vé tại địa bàn TP.HCM.

Song hình ảnh nổi bật nhất có lẽ là hình ảnh ông N.T.L đến từ Bến Tre và ông P.V.V đến từ Thái Bình mặc trang phục gần như giống hệt nhau khi tham dự buổi lễ trao giải Jackpot trị giá gần 160 tỷ đồng trong kỳ quay thứ 69. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc và không ít người tỏ ý nghi ngờ. Thậm chí, có một độc giả còn đặt câu hỏi: “Liệu có phải người thắng giải được công ty phát cho đồng phục để lên nhận giải không, hay đây là hai nhân viên được công ty kêu vào đeo mặt nạ, cầm bảng giải thưởng rồi chụp ảnh?”.

Dù ông Nguyễn Thanh Đạm – Phó tổng Giám đốc Vietlott từng nhiều lần khẳng định rằng giải thưởng của đơn vị này hoàn toàn công khai, minh bạch và có sự giám sát của nhiều cơ quan chức năng. Toàn bộ hồ sơ của những người đã trúng thưởng đều được Vietlott cung cấp cho Cục An ninh Tài chính tiền tệ đầu tư (A84) - Bộ Công An. Còn việc Vietlott không công khai đầy đủ tên tuổi, danh tính, địa chỉ của người trúng thưởng là để bảo vệ người chơi.

Ông Nguyễn Thanh Đạm từng nhiều lần khẳng định giải thưởng của Vietlott hoàn toàn công khai, minh bạch

Ông Nguyễn Thanh Đạm từng nhiều lần khẳng định giải thưởng của Vietlott hoàn toàn công khai, minh bạch 

Song tất cả những lời giải thích trên đều không thể khiến cho người dân hết nghi ngờ bởi đại diện của các đơn vị tham gia chứng kiến trong buổi quay thưởng và lễ trao giải như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Giám sát xổ số... hoặc không lên tiếng hoặc trao đổi rất ít về vấn đề này.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, trong quy định hoạt động kinh doanh xổ số luôn có 2 quy chế: khách hàng trúng số có thể yêu cầu công ty xổ số giữ bí mật danh tính thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật hoặc không. Nhưng sau khi cuộc sống gia đình ông Thái - người đầu tiên trúng giải Jackpot bị đảo lộn bởi nhiều người lạ mặt, các đối tượng giang hồ kéo tới làm phiền thì việc Vietlott không công khai danh tính người trúng thưởng là một hành động hợp lý.

“Với việc giấu kín danh tính người trúng giải, Vietlott sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Nếu công khai tên tuổi của người trúng thưởng, đối với Vietlott sẽ có lợi hơn bởi chính hình ảnh của những người trúng Jackpot sẽ quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Vietlott mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng vì quyền lợi, an toàn của khách hàng, họ buộc phải giấu kín danh tính người trúng thưởng. Ở Mỹ, cũng có nhiều người sau khi trúng thưởng quyết định không công khai danh tính của bản thân. Vietlott không thể bịa ra một người trúng giải được, bởi hoạt động của họ chịu sự giám sát từ rất nhiều cơ quan chức năng như Bộ Công an, Hội đồng Giám sát xổ số... Còn việc đại diện của các đơn vị tham gia chứng kiến trong buổi quay thưởng và lễ trao giải không lên tiếng có thể nằm trong thỏa thuận quy chế phát ngôn giữa Vietlott và các đơn vị đó”, TS. Nguyễn Minh Phong nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem