Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có dấu ấn gì khi ở vị trí Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội?

Tào Nga (t/h) Thứ năm, ngày 08/04/2021 09:59 AM (GMT+7)
Ngày 8/4, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chính thức trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trước đó, ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Bình luận 0

Thành tựu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khi còn là Giám đốc ĐHQGHN

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, sinh năm 1966 tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, TP.Hải Phòng. Sau nhiều năm học tập và công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), tháng 7/2016, ông chính thức được bổ nhiệm là Giám đốc ĐHQGHN.

Tại đây, ông đã ghi được nhiều dấu ấn quan trọng, khẳng định ĐHQGHN không chỉ là đầu tầu trong ngành giáo dục Việt Nam và mà còn cả trên thế giới. ĐHQGHN đã nằm trong nhóm 801 - 1000 đại học hàng đầu thế giới, đặc biệt lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ nằm trong nhóm 401-500 đại học hàng đầu thế giới.

Nhìn lại thành tựu Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đạt được trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng là Giám đốc ĐHQGHN.

Cùng nhìn lại thành tựu Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đạt được trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT:

Trọng trách ĐH Quốc gia Hà Nội phải tiên phong đổi mới

Sáng 19/7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc ĐHQGHN nhiệm kỳ mới cho PGS.TS Nguyễn Kim Sơn. 

Tại buổi lễ, tân Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ĐHQGHN có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, giữ vai trò then chốt trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trọng trách của ĐHQGHN là phải tiên phong đổi mới, làm đầu tầu cho sự phát triển giáo dục Việt Nam và đóng góp tích cực vào hệ thống đào tạo nhân lực và nghiên cứu trong cộng đồng ASEAN và trên toàn thế giới.

Nhìn lại thành tựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm được tại Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc ĐHQGHN nhiệm kỳ mới cho PGS.TS Nguyễn Kim Sơn.

Ông nhấn mạnh: "ĐHQGHN cần làm mọi việc, tiến hành mọi biện pháp để tất cả mọi mặt hoạt động của mình, từ nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu và giảng dạy của cán bộ, chất lượng đào tạo, năng lực và khả năng có việc làm tốt của sinh viên, quản trị nội bộ, hợp tác trong ngoài… đều đạt và vượt các tiêu chuẩn, tiêu chí của AUN. Cần làm mọi cách để sinh viên của chúng ta đào tạo ra có năng lực tốt nhất và có thể làm công dân toàn cầu, làm việc tốt trong môi trường quốc tế".

Năm 2017: Không tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL tuyển sinh đại học chính quy

Khác với 2 năm 2015 và 2016, kỳ thi đánh giá năng lực (viết tắt là ĐGNL) phục vụ công tác tuyển sinh bậc đại học hệ chính qui của ĐHQGHN. Năm 2017, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn quyết định không tổ chức kì thi ĐGNL như 2 năm trước, mà sử dụng kết quả các bài thi THPT quốc gia phục vụ công tác xét tuyển bậc đại học.

Giám đốc ĐHQGHN cho biết: "Sở dĩ chúng tôi có lựa chọn này bởi những đổi mới trong phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi ĐGNL chung mà ĐHQGHN đã triển khai trong thời gian vừa qua.

Trong bối cảnh như vậy, ĐHQGHN nhận thấy rằng, việc tập trung thêm nguồn lực (lượng câu hỏi), nhân lực và các điều kiện khác để triển khai tốt kì thi THPT quốc gia của Bộ là một việc cần thiết, quan trọng và mang tính quốc gia. Điều này cần ưu tiên hơn việc tổ chức riêng kỳ thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh của ĐHQGHN và nhóm các trường đã đăng ký xét tuyển theo kết quả của kỳ thi này, tránh cho thí sinh không phải thi hai kỳ thi có nhiều điểm giống nhau. Không tổ chức kỳ thi riêng, ĐHQGHN có điều kiện tập trung thực hiện các bước đổi mới tiếp theo, đi vào chiều sâu, theo lộ trình đã hoạch định trước đây và tiếp tục đóng góp vào công cuộc đổi mới của ngành trên chặng đường mới".

Triển khai phát triển khoa học cơ bản lĩnh vực Lý, Hóa, Khoa học 

Trên cương vị là Giám đốc ĐHQGHN, ngày 16/5/2017, ông Nguyễn Kim Sơn đã ký kết văn bản thỏa thuận phối hợp hoạt động song phương với Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Nhìn lại thành tựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm được tại Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh 3.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và ĐHQGHN.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng ĐHQGHN phối hợp triển khai các Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển; lựa chọn, hình thành và đầu tư phát triển một số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thuộc ĐHQGHN đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 và các Chương trình phát triển khoa học cơ bản định hướng ứng dụng.

Hai cơ quan cùng phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ ở ĐHQGHN để làm chủ công nghệ, góp phần phát triển sản phẩm quốc gia và sản phẩm công nghệ cao theo Chương trình phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ đến năm 2020 và Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Tham gia diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC 

Ngày 8/11/2017, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT, Hiệp hội các đại học vành đai Thái Bình Dương và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC (APEC University Leaders' Forum) 2017. 

Nhìn lại thành tựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm được tại Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh 5.

Tại đây, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: "ĐHQGHN mong muốn hợp tác sâu sắc, toàn diện và bền vững với các đại học khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tôi tin tưởng rằng, sự cộng hưởng sức mạnh của tri thức và sáng tạo của các đại học sẽ tạo xung lực mới cho hợp tác APEC và trở thành một trụ cột quan trọng bên cạnh hợp tác kinh tế, chính trị, thương mại".

Mục tiêu năm 2025, ĐHQGHN vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới 

Tại Đại hội Đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐH Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025 được tổ chức từ ngày 15-6/8/2020, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho hay, Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN đề ra mục tiêu tạo ra một bước phát triển quan trọng, đưa nhà trường trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển con người và đất nước. Phấn đấu đến năm 2025, trường đứng vào nhóm 100 đại học hàng đầu Châu Á, nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.

Trong giai đoạn ông Nguyễn Kim Sơn làm Giám đốc, trường nhiều lần được lọt vào các bảng xếp hạng tốt nhất châu Á và thế giới. Năm 2017 và 2018, Tổ chức xếp hạng QS công bố kết quả xếp hạng năm 2017 khu vực Châu Á, ĐHQGHN giữ vị trí 139. Năm 2019, ĐHQGHN vươn lên vị trí thứ 124, tăng 15 bậc so với trước đó.

Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Đại học Quốc gia TP.HCM lọt vào bảng xếp hạng các trường đại học trẻ, có thời gian thành lập dưới 50 năm có chất lượng đào tạo tốt nhất thế giới.

Năm 2020, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cũng ghi dấu ấn khi đưa ĐHQGHN năm thứ hai liên tiếp đứng trong nhóm 801-1.000 đại học tốt nhất thế giới năm 2021 do Times Higher Education (THE) công bố ngày 2/9. 

Nhìn lại thành tựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm được tại Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh 6.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, năm 2019, so với những năm trước, số lượng các công bố khoa học trong nước và quốc tế của ĐHQGHN tăng mạnh, nổi bật là tổng số công bố khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus đạt mốc gần bài (so với 603 bài của năm 2018).

Các nhà khoa học của ĐHQGHN đều tham gia và nắm những vai trò quan trọng đối với 5 đề án KHCN trọng điểm cấp quốc gia (Quốc sử, Bách khoa thư, Hệ tri thức Việt số hóa…).

Nhiều huy chương Olympic quốc tế 

Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, ĐHQGHN đào tạo nhiều học sinh tài năng, chất lượng cao đem về cho đất nước kết quả đáng tự hào.

Năm 2018, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tặng bằng khen cho 9 học sinh đạt giải Olympic quốc tế.

Năm 2019, học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN tham gia 6/7 đội tuyển thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực: 8 học sinh trong các đội tuyển dự thi Olympic Tin học châu Á, Olympic Vật lý châu Á và Olympic quốc tế các môn Toán học, Vật lí, Hóa học, Tin học và Sinh học với thành tích 2 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng

 Năm 2020, 10 học sinh đạt giải Olympic quốc tế được Giám đốc ĐHQGHN tặng bằng khen.

Nhìn lại thành tựu Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đạt được trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Ảnh 8.

10 học sinh được Giám đốc ĐHQGHN tặng bằng khen.

Được biết, năm 2020, cả nước có 18 học sinh tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế thì ĐHQGHN đóng góp 10 giải và được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tặng bằng khen.

Bên cạnh đó, 23 giáo viên chủ nhiệm và giáo viên trực tiếp giảng dạy, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cũng được vinh danh và khen thưởng vì đã có những đóng góp trong công tác giảng dạy, bồi dưỡng nhân tài.

Thành lập trường ĐH Y Dược - trường đại học thành viên thứ 8

Chiều 18/11/2020, ĐHQGHN đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Trường Đại học Y Dược là trường đại học thành viên thứ 8 của ĐHQGHN.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, phù hợp với mô hình đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe của nhiều cơ sở giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới.

Nhìn lại thành tựu Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đạt được trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Ảnh 9.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định Hiệu trưởng và các Phó hiệu trưởng lâm thời.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, Trường Đại học Y Dược được thành lập là một niềm vui lớn của nhà trường cũng như của ĐHQGHN. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn. Lãnh đạo ĐHQGHN sẽ sát sao trong công tác chỉ đạo, định hướng, và hỗ trợ Trường Đại học Y Dược, đặc biệt là hỗ trợ trong những năm đầu của quá trình tự chủ...

Trước đó, ĐHQGHN có 7 trường đại học là Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Giáo dục, Kinh tế, Việt - Nhật và 5 khoa thành viên gồm Luật, Y Dược, Quốc tế, Quản trị và Kinh doanh, Các khoa học liên ngành. Điểm tuyển sinh hàng năm của các trường thuộc ĐHQGHN luôn nằm trong top cao trên cả nước.

Chân dung, tiểu sử Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Kim Sơn là Giám đốc ĐHQGHN, đồng thời là ủy viên Hội đồng biên soạn Nho tạng thế giới, Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí Taiwan Journal of East Asian Studies (Đài Loan), Ủy viên Ban Điều hành Hiệp hội Nghiên cứu Nho giáo thế giới.

Ông thành thạo 2 ngoại ngữ là Tiếng Trung và Tiếng Anh, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ GD-ĐT, Bằng khen của ĐHQGHN, Giải bạc sách hay năm 2011 cho công trình nghiên cứu: Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, Tuyển tập địa chí (3 tập trên 3.000 trang) do Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã học Cao cấp lý luận chính trị - hành chính tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM, học bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh tại Học viện Quốc phòng. Ông cũng học bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa V và Chương trình bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII tại Học viện Chính trị Quốc gia HCM.

Quá trình công tác của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Năm 1990: Ông Nguyễn Kim Sơn tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN), Khoa Ngữ văn, ngành Văn học, chuyên ngành Hán Nôm.

Tháng 4/1991 - 2/1999: Ông là cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn.

Năm 1996, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Văn học Việt Nam.

Từ tháng 3/1999 - 3/2002: Ông là cán bộ giảng dạy Khoa Văn học, Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Từ tháng 4/2002 - 3/2003: Ông là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Từ tháng 4/2003 - 4/2006: Ông là Trưởng Phòng Đào tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM - ĐHQGHN (đến 12/2003).

Năm 2005, ông được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư.

Từ tháng 5/2006 - 5/2007: Ông là Trưởng Phòng Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Từ tháng 6/2007 - 5/2008: Ông là học giả nghiên cứu tại Học viện Harvard Yenching.

Từ tháng 6/2008 - 10/2009: Ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Từ tháng 11/2009 - 7/2010: Ông là Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc; Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (từ 06/2010).

Từ tháng 8/2010 - 12/2011: Ông là Đảng ủy viên Đảng ủy ĐHQGHN; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Từ tháng 1/2012 - 2/2016: Ông là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN.

Từ tháng 2/2016 - 6/2016: Ông là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN.

Từ tháng 6/2016 - 9/2016: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN.

Từ tháng 9/2016 - 1/2019: Ông là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN; Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông (từ 02/2017), ĐHQGHN.

Từ tháng 1/2019 - 1/2021: Ông là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQGHN; Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN.

Từ tháng 1/2021: Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQGHN; Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN.

Ngày 8/4/2021: Ông Nguyễn Kim Sơn chính thức trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2021-2026.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem