Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi những việc cần làm để bảo vệ môi trường biển và đại dương

Thắng Tình Chủ nhật, ngày 04/06/2023 13:29 PM (GMT+7)
Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể từ Trung ương, chính quyền địa phương… hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương.
Bình luận 0

Rác thải nhựa đại dương là vấn đề cần quan tâm

Ngày 4/6, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày đại dương thế giới, Ngày môi trường thế giới năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi những việc cần làm để bảo vệ môi trường biển và đại dương - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự buổi lễ phát động. Ảnh: Thắng Tình.

Tham dự buổi lễ có ông Đặng Quốc Khánh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Thái Thanh Quý, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; ông Hoàng Trung Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cùng đông đảo nhân dân địa phương

Nghệ An là tỉnh có 5/22 thị xã, huyện tiếp giáp với biển, với 82 km chiều dài bờ biển và diện tích vùng biển khoảng 4.230 hải lý vuông. Nghệ An có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển và trên thực tế kinh tế biển chiếm tỷ trọng rất đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. 

Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Từ năm 2018, bình quân hàng năm đóng góp trên 26% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Với chủ trương hướng mạnh ra biển, làm giàu từ biển, tỉnh Nghệ An đã và đang tập trung huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi những việc cần làm để bảo vệ môi trường biển và đại dương - Ảnh 2.

Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thắng Tình

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tầm quan trọng của thiên nhiên, biển, đại dương đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên, hiện tại nhân loại đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức bức thiết về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

Trong đó, vấn đề nhức nhối lâu nay đang được nhiều quốc gia quan tâm là vấn đề rác thải nhựa đại dương, khai thác, sử dụng tài nguyên biển thiếu bền vững. Đây là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.

Vì thế, một lần nữa "giải pháp cho ô nhiễm nhựa" với trọng tâm thực hiện chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa" (Beat Plastic Pollution) tiếp tục được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi những việc cần làm để bảo vệ môi trường biển và đại dương - Ảnh 3.

Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham dự buổi lễ. Ảnh: Thắng Tình

Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. 

Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời.

Những nhiệm vụ cần làm ngay để bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển. 

Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi những việc cần làm để bảo vệ môi trường biển và đại dương - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng thu gom rác thải làm sạch bãi biển thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thắng Tình

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp.

Thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế. Khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển. Coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi những việc cần làm để bảo vệ môi trường biển và đại dương - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thu gom rác thải trên bãi biển Cửa Lò. Ảnh: Thắng Tình

Thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và đại dương, bảo đảm phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là mạng lưới giao thông, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch; phát triển đồng bộ, hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng; tăng cường liên kết vùng ven biển với vùng nội địa.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi những việc cần làm để bảo vệ môi trường biển và đại dương - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng trồng hàng cây xanh tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thắng Tình

Ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. 

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi những việc cần làm để bảo vệ môi trường biển và đại dương - Ảnh 7.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh kêu gọi cả nước chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo... Ảnh: Thắng Tình

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy. Triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. 

Phát huy truyền thống lịch sử dân tộc hào hùng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi những việc cần làm để bảo vệ môi trường biển và đại dương - Ảnh 8.

Với sự chung tay hưởng ứng của toàn dân và xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng rằng chúng ta nhất định sẽ thành công. Ảnh: Thắng Tình.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân; xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện với biển; phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, xây dựng văn hóa biển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tin rằng, với tinh thần cầu thị trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế và sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực trong nội bộ, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi nhất định trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của biển, thực hiện phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho Việt Nam ta tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai "sống hài hòa với thiên nhiên" vào năm 2050.

Ngay sau lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương đã trực tiếp tham gia thu gom rác thải, làm sạch môi trường trên bãi biển thị xã Cửa Lò; trồng cây xanh trên tuyến đường ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem