Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thứ hạng về sản lượng nông sản có thể giảm nhưng thu nhập của nông dân phải tăng

Khánh Nguyên (ghi) Thứ tư, ngày 15/12/2021 14:33 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thứ hạng về sản lượng của nông sản Việt có thể giảm nhưng thu nhập của nông dân phải tăng nhờ đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng.
Bình luận 0
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thứ hạng về sản lượng nông sản có thể giảm nhưng thu nhập của nông dân phải tăng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Thành tích chung của ngành nông nghiệp năm 2021 là kết quả phấn đấu của cả hệ thống, đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp từ Trung ương đến cơ sở đã phát huy hết sức, mang lại kết quả chung, khẳng định vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp. Ảnh: P.V

Năm 2021, vượt qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp đã về đích trước thời hạn một cách ngoạn mục, xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục với 47 tỷ USD. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò chỉ đạo, điều hành của Bộ để đạt được kết quả ấn tượng này?

- Nếu ở thời điểm tháng 8, tháng 9, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi ngành hàng bị đứt gãy, việc sản xuất, vận chuyển, chế biến khó khăn khiến hệ thống phân phối bị ngưng trệ, thị trường bị đứt gãy, không hình dung nổi ngành nông nghiệp sẽ vượt qua, hoàn thành chỉ tiêu, lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Kết quả này nói lên sự năng động, thích ứng, nhanh nhạy không chỉ trong bộ máy quản lý ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương mà còn thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng nhằm kết nối, giữ vững thị trường.

Hàng chục triệu hộ nông dân trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng vẫn tạo ra được lượng nông sản lớn, giúp ngành nông nghiệp lấy được đà phục hồi nhanh, đảm bảo cung ứng đủ lương thực thực phẩm cho người dân trong thời điểm giãn cách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. 

Để có được kết quả này, các tổ công tác đặc biệt của Bộ NNPTNT đã có nhiều sáng kiến, giải pháp phù hợp, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, giúp các doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ chế biến. Trong điều kiện mỗi địa phương có những quy định khác nhau trong phòng chống dịch thì vai trò kết nối,  điều phối của các tổ công tác là rất quan trọng.

Tôi cho rằng, thành tích chung của ngành nông nghiệp năm 2021 là kết quả phấn đấu của cả hệ thống, đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp từ Trung ương đến cơ sở đã phát huy hết sức, mang lại kết quả chung, khẳng định vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp.

Có thể thấy, trong điều kiện dịch Covid-19, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động. Tuy nhiên, trong gian khó, nông nghiệp vẫn thể hiện rõ vai trò trụ đỡ. Theo Bộ trưởng đâu là động lực để ngành đạt được mục tiêu này?

- Như tôi đã nói, do quy định giãn cách xã hội, có những thời điểm việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản có phần chệch choạc nhưng thông qua các hội nghị, diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ, sự phối hợp kịp thời của các bộ ngành, chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp không bị đứt gãy kéo dài, những khó khăn trong từng thời điểm được tháo gỡ, doanh nghiệp vươn được bàn tay tới vùng nguyên liệu, đưa nông sản từ vùng nguyên liệu tới nhà máy chế biến, tạo ra giá trị gia tăng, kích hoạt thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Có thể thấy, nhờ chủ động các giải pháp, ngành nông nghiệp phục hồi rất nhanh, thị trường mở cửa tới đâu chuỗi ngành ngàng hàng tăng tốc tới đó, tạo ra giá trị gia tăng cao, thể hiện qua những con số tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thứ hạng về sản lượng nông sản có thể giảm nhưng thu nhập của nông dân phải tăng - Ảnh 2.

Năm 2021, vượt qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp đã về đích trước thời hạn một cách ngoạn mục, xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục với 47 tỷ USD. Trong ảnh: Thị xã Chí Linh (Hải Dương) tổ chức đưa nhãn xuất khẩu sang EU. Ảnh: P.V

Những kết quả ấn tượng mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2021 sẽ tạo đà cho những năm tiếp theo như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Trong dịch Covid-19, chúng ta lại rút ra được bài học kinh nghiệm, những giải pháp vốn được xem như xử lý tình huống sẽ bổ sung cho chúng ta kịch bản để ứng phó linh hoạt với bất kỳ tình huống nào, bổ sung những gì là giá trị cốt lõi.

Như chuỗi cung ứng, vấn đề không phải cứ đẩy mạnh sản xuất mà quan trọng là phải xác định quy mô thị trường trong từng thời điểm. Bên cạnh đó, với thị trường nội địa 100 triệu dân thì chuỗi cung ứng logistics cho thị trường trong nước cũng phải đầu tư nhiều hơn.

Theo chiến lược của ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, chuỗi cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ được quan tâm để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, việc minh bạch thông tin dữ liệu cũng rất quan trọng. Nếu cứ mù mờ về thông tin thì sẽ còn tình trạng thiếu chỗ này, thừa chỗ kia. Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp cung cấp dữ liệu từ đầu cầu đến đầu cung.

Đến năm 2025, xuất khẩu nông sản sẽ đạt 51 tỷ USD

Theo Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp sẽ ở mức 2,5 - 3,0%/năm; tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (NLTS) 2,6 - 3,2%/năm, trong đó trồng trọt tăng 2,0 - 2,2%/năm; chăn nuôi tăng 4,0 - 5,0%/năm; thủy sản tăng 3,5 - 4,0%/năm; lâm nghiệp 5,0 - 5,5%/năm. Cả nước phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 50 tỷ USD.

P.V

Bộ trưởng đã nhiều lần nêu quan điểm: Ngành nông nghiệp phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong năm 2022, tư duy này sẽ được thể hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

-Mục tiêu của nền nông nghiệp đi theo tư duy sản xuất nông nghiệp là tạo ra giá trị cao hơn. Để làm được điều đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ nâng cao năng suất, sản lượng mà còn phải phục vụ mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng.

Khoa học công nghệ phục vụ ngành nông nghiệp cũng phải tích hợp đa giá trị, từ nông sản chỉ bán thô thông qua chế biến sâu để đa dạng hóa thị trường. 

 Trong tam giác phát triển Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân, mỗi bên phải liên kết, hỗ trợ, tạo ra không gian phát triển chung, bổ sung sức mạnh, sử dụng lợi thế của nhau. Khi Bộ NNPTNT phát đi tín hiệu này, các doanh nghiệp hưởng ứng rất nhiệt tình. 

Tôi cho rằng, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phải mang hơi thở cuộc sống, cộng hưởng với tư duy thị trường của doanh nghiệp, với sản xuất của nông dân thì khi đó chính sách mới thành công. Nếu chính sách trong phòng lạnh, còn nông dân ở ngoài đồng thì sẽ có sự khập khiễng trong thực tiễn. 

Doanh nghiệp cũng không cần phải đợi chờ chính sách hỗ trợ mà hãy khuyến nghị chính sách thông qua những cách làm thực tế.

Năm 2021, nếu nói một từ duy nhất về ngành nông nghiệp thì đó là từ: BIẾN. Nhưng qua sự biến động, chúng ta cũng nhìn rõ ưu, khuyết điểm và cũng là động lực để chuyển đổi mạnh mẽ hơn tư duy kinh tế nông nghiệp.

Khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, có thể thứ hạng nào đó trong sản lượng nông sản có thể giảm nhưng quan trọng là mang lại giá trị cao hơn, giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn.

Nông nghiệp công nghệ cao mở lối cho tư duy kinh tế nông nghiệp

Để sản xuất hiệu quả trong trạng thái "bình thường mới" an toàn với dịch COVID-19, nông nghiệp Việt Nam phải chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp"

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện nay, trong lĩnh vực trồng trọt mới chỉ có cây lúa có mức độ cơ giới hóa cao ở nhiều khâu. Các loại cây trồng khác như: Mía, ngô, rau quả chỉ mới cơ giới hóa ở khâu làm đất, gieo hạt và chưa áp dụng được nhiều trong khâu thu hoạch, bảo quản, nhất là khâu sản xuất chế biến.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Việt Nam đã và đang hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh phát triển mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững.

Do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các ứng dụng ưu việt của công nghệ như: Sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

"Nông dân chuyên nghiệp" là biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

P.V

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem