Những thách thức chờ tân Tổng giám đốc MobiFone

27/11/2019 16:28 GMT+7
Ông Tô Mạnh Cường được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc MobiFone khi chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra phiên xét xử 2 cựu bộ trưởng trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Sau đại án AVG, MobiFone bị suy giảm mạnh. Đây được xem là thách thức khá lớn đối với ông Cường nếu muốn vực MobiFone trở lại thời hoàng kim.

Chậm cổ phần hóa vì vướng AVG

MobiFone được thành lập năm 1993, với tên gọi ban đầu là Công ty Thông tin di động. Ngày 1/12/2014, Công ty được chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh doanh trong các lĩnh vực: dịch vụ viễn thông truyền thống, VAS, Data, Internet & truyền hình IPTV/cable TV, sản phẩm khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, bán lẻ và phân phối và đầu tư nước ngoài.

Đây là một trong ba mạng di động lớn nhất với hơn 30% thị phần. Bên cạnh MobiFone, tại thời điểm này, Việt Nam còn 5 đơn vị kinh doanh dịch vụ mạng viễn thông di động khác là Viettel, Vinaphone, Indochina Telecom, Vietnamobile, và Gmobile. Trong đó, thị phần chủ yếu rơi vào tay của 3 "ông lớn" Viettel, Vinaphone và MobiFone.

MobiFone từng là thương hiệu được nhiều khách hàng ưa thích và là một doanh nghiệp đứng đầu trong thị trường viễn thông di động Việt Nam. Khi chưa tác khỏi VNPT, MobiFone chiếm 40% doanh thu của VNPT nhưng lại chiếm tới 70% lợi nhuận của tập đoàn này. MobiFone được xem là con gà đẻ trứng vàng của VNPT và các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.

Bộn bề thách thức chờ tân Tổng giám đốc MobiFone - Ảnh 1.

Sau biến cố liên quan đến AVG, quá trình cổ phần hóa của MobiFone bị chậm lại.

Thế nhưng, sau nhiều biến cố, đặc biệt là sau vụ án mua lại cổ phần của CTCP Nghe nhìn toàn cầu (AVG), MobiFone đã bị suy giảm mạnh. Ngày 16/12 tới đây, phiên tòa xét xử hai cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng 12 bị can trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Trong vụ án này, liên quan đến rất nhiều cán bộ cấp cao của MobiFone như bị can Lê Nam Trà - nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, Cao Duy Hải - nguyên tổng giám đốc MobiFone.

Ngoài ra các bị can nguyên là vụ trưởng của Bộ Thông tin - truyền thông, lãnh đạo của Mobifone cùng lãnh đạo các công ty thẩm định gia cũng bị cũng bị đưa ra xét xử về tội "vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".

Được biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, MobiFone là một trong số 93 doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hoá đến hết năm 2020. Lộ trình trước đó, MobiFone dự kiến hoàn tất việc cổ phần hoá vào năm 2018, tuy nhiên, theo một đại diện Bộ Tài chính từng đề cập tại cuộc họp báo chuyên đề diễn ra hồi tháng 3/2019, lý do chậm trễ là do vướng vụ đại án liên quan đến AVG.

Kinh doanh chững lại

MobiFone từng được coi là con gà đẻ trứng vàng khi tạo ra hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu đồng thời thu về hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi mỗi năm.

Tổng doanh thu hợp nhất phát sinh từ 2015-2017 của MobiFone đạt 116.179 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế phát sinh giai đoạn này là 18.118 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ đã đóng góp vào nộp ngân sách trong giai đoạn này là 17.421 tỷ đồng.

Bộn bề thách thức chờ tân Tổng giám đốc MobiFone - Ảnh 2.

Kinh doanh của MobiFone 6 tháng đầu năm 2019 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2018 doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty thực hiện 38.883 tỷ đồng, doanh thu công ty mẹ đạt 36.926 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 4.677 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, MobiFone ghi nhận 15.168 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ việc tiết giảm được giá vốn hàng bán, biên lãi gộp của MobiFone được cải thiện từ 28% lên 30,5% tương ứng lợi nhuận gộp 4.636 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm 2018.

Doanh thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) tăng gấp hơn 5 lần lên 535 tỷ đồng là động lực chính giúp lợi nhuận sau thuế của MobiFone tăng 8% so với nửa đầu năm ngoái, đạt 2.116 tỷ đồng.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính bán niên 2019, tổng tài sản của MobiFone tại thời điểm cuối tháng 6 đạt 29.182 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm hơn 55% với phần lớn là các khoản tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng. số dư tiền và tương đương tiền giảm 45% so với đầu kỳ xuống 1.745 tỷ đồng.

Như vậy tính chung các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi đến hết tháng 6 lên đến 13.423 tỷ đồng, chiếm tới 46% tổng tài sản của MobiFone trong khi vốn góp của chủ sở hữu Nhà nước là 15.000 tỷ đồng.

Nếu so sánh với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng lượng tiền tương đương tiền và tiền gửi của MobiFone chỉ xếp sau một vài "đại gia" như PVGas, ACV, Vingroup, Petrolimex hay Sabeco. Khoản tiền gửi "khổng lồ" tại các ngân hàng giúp MobiFone thu về hàng trăm tỷ đồng tiền lãi, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tính đến hết tháng 6, MobiFone còn để dành được 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bên cạnh 5.081 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.

Sức ép hạ tầng viễn thông

Các chuyên gia cho rằng, chiến lược phát triển dịch vụ của một mạng viễn thông phải dựa vào sức mạnh hạ tầng băng rộng, nhưng lâu nay MobiFone hoạt động dựa vào mạng lưới và hạ tầng của tập đoàn mẹ- VNPT. Điều này sẽ đặt ra không ít thách thức cho Mobiphone trong phát triển hạ tầng viễn thông.

Bộn bề thách thức chờ tân Tổng giám đốc MobiFone - Ảnh 4.

Sẽ có rất nhiều thách thức dành cho tân Tổng giám đốc của MobiFone.

Thực tế thị trường cho thấy, hàng loạt nhà mạng thất bại vì gặp trở ngại trong kết nối và chia sẻ tài nguyên. Với sự bùng nổ các dịch vụ nghe gọi trực tuyến, cộng với nền tảng hạ tầng viễn thông dựa vào công ty mẹ sẽ làm hạn chế hoạt động kinh doanh của MobiFone, đây cũng sẽ là thách thức khi Tổng công ty chuyển đổi sang mô hình cổ phần.

Hiện nay, trên thị trường còn thiếu vắng các dịch vụ cao cấp, đòi hỏi năng lực công nghệ vượt trội và tính bảo mật cao như nền tảng cho chính phủ điện tử, y tế giáo dục điện tử, các hệ thống quản lý tập trung về ngành giao thông vận tải, kết nối ngân hàng và thanh toán… Những cơ hội đó chỉ hiện thực hóa khi MobiFone được cấp quyền phát triển hạ tầng độc lập, tạo nền tảng cung ứng dịch vụ linh hoạt ra thị trường. Bởi vậy, nếu không được đầu tư bài bản, MobiFone sẽ khó bắt nhịp với các ông lớn trong ngành viễn thông.

Trước những khó khăn, thách thức nói trên, ông Tô Mạnh Cường sẽ phải thể hiện tầm nhìn và hành động của mình để thúc đẩy doanh nghiệp này phát triển. Đây là nhiệm vụ nặng nề và đầy thách thức với những người đứng đầu MobiFoneđể đưa MobiFone trở lại vị trí vốn có của nó.

O.Lý
Cùng chuyên mục