Nhôm thép bị Mỹ áp thuế 25%: Cổ phiếu nào ảnh hưởng nhiều nhất?
Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký các tuyên bố để tăng thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25% và loại bỏ tất cả các miễn trừ cho tất cả các quốc gia.
SSI Research cho rằng, đây là một phần mở rộng của thuế Mục 232 được ban hành vào năm 2018 bởi ông Trump, ban đầu đặt mức cố định 25% cho nhập khẩu thép nhưng bao gồm các miễn trừ cho một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.
Thuế mới duy trì thuế Mục 232 và loại bỏ tất cả các miễn trừ. Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3/2025.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/news/2025/02/12/thep-2-17391594055381440692718-094934.png)
Đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018 theo Mục 232, vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này. Do đó, có rất ít tác động đến ngành thép Việt Nam liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ.
"Hành động thuế mới có thể thậm chí có phần tích cực đối với ngành thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam (trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác) ngang hàng với các quốc gia khác", nhóm phân tích nêu.
Xuất khẩu thép của Việt Nam sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada cũng tương đối nhỏ (tính đến tháng 12 năm 2024, họ không nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam theo dữ liệu của VSA).
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/02/12/thep-1002.png)
Bên cạnh đó, nhóm phân tích đề cập đến một điểm nữa cần xem xét là tác động cuối cùng có thể phức tạp để xác định, vì có một số loại thuế khác như CVD (thuế đối kháng) và AD (thuế chống bán phá giá), trong đó thuế AD vẫn đang trong quá trình điều tra.
Gần đây, Mỹ đã phát hành kết quả điều tra sơ bộ và thuế sơ bộ CVD đối với thép chống ăn mòn của Việt Nam, với HSG và GDA nhận được mức thuế tối thiểu (~0,13% và 0%). Kết quả sơ bộ AD dự kiến sẽ được công bố trong những tháng tới.
SSI cho rằng, triển vọng cho ngành thép năm 2025 vẫn tích cực dựa trên giá thép đã chạm đáy, nhu cầu nội địa mạnh hơn từ sự phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công mạnh mẽ, cũng như chúng tôi kỳ vọng có thể sẽ có thuế chống bán phá giá đối với HRC của Trung Quốc và Ấn Độ trong giả định cơ sở.
Cùng đề cập đến ngành thép, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho biết những nguồn nhập khẩu thép lớn vào Mỹ trong giai đoạn vừa qua là Canada, Brazil, Mexico , Hàn Quốc và Việt Nam. Đồng thời, Canada là nhà cung cấp nhôm lớn nhất, chiếm 79% thị phần.
"Trong năm 2018, ông Trump cũng áp thuế 25% đối với các nguồn xuất khẩu thép rồi, Việt Nam cũng đã chịu mức thuế này. Với mức thuế cao, các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với tỷ trọng khá nhỏ, chỉ khoảng 3%. Do đó, ảnh hưởng đối với Việt Nam không lớn", ông Sơn nhận định.
Một số doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng sẽ là Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen, Tôn Đông Á. Trong đó, nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất là tôn mạ. Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của nhóm tôn mạ sang Mỹ là rất lớn.
Đơn cử, Tôn Đông Á (Mã: GDA) xuất khẩu sang Mỹ chiếm chiếm khoảng 35%, Nam Kim (Mã: NKG) chiếm khoảng 25%, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) 15%, riêng Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) dưới 5%.
Nhìn chung, trong giai đoạn nửa đầu năm 2025, những yếu tố liên quan đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng Việt Nam có thể chịu thuế chung với toàn cầu, hoặc những mặt hàng Mexico, Canada và Trung Quốc bị đánh thuế, dự báo sẽ gây ảnh hưởng về thông tin, tác động tới giá cổ phiếu.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/news/2025/02/12/11-2-kbsv-1-20250211173654994-100728.png)
Theo dự báo của KBSV, các doanh nghiệp sản xuất sẽ gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa để duy trì tăng trưởng doanh thu.
Xu hướng nội địa hóa đã diễn ra từ đầu nửa cuối 2024 sau khi các thông tin về việc khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá thép lan rộng từ các nước. So với vùng đỉnh quý I/2024, sản lượng xuất khẩu tôn mạ quý IV/2024 của Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á đã giảm lần lượt 19%/31%/28%. Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng, HRC của Hòa Phát cũng giảm 45%.
Xu hướng này được hỗ trợ nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước quay trở lại, với động lực chính tới từ sự hồi phục của thị trường bất động sản dân dụng, các dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai.
KBSV cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất thép với thị phần nội địa lớn sẽ có lợi thế trong việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tập trung mở rộng sang các thị trường mới (khu vực chưa áp dụng hàng rào thuê quan với thép Việt Nam) để duy trì sản lượng tiêu thụ.