Cà Mau: Thực hiện tốt Luật Thủy sản, gắn với chống khai thác hải sản bất hợp pháp đến ngư dân

C.M Thứ sáu, ngày 24/07/2020 09:53 AM (GMT+7)
Trong năm 2020, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tuyên truyền Luật Thủy sản cho từ cán bộ, đến doanh nghiệp, ngư dân. Đồng thời, có nhiều biện pháp để chống đánh bắt và khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) trên biển, trở thành điểm sáng ở các tỉnh ĐBSCL
Bình luận 0

Theo đó, Cà Mau đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền nhằm phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo, quy định có liên quan về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cũng như nội dung mới của Luật Thuỷ sản sửa đổi cho toàn thể cán bộ cơ quan quản lý thuỷ sản, cho ngư dân, chủ tàu khai thác thuỷ sản, doanh nghiệp chế biến xuất nhập khẩu thuỷ sản khai thác... là những nội dung quan trọng trong chương trình hành động của tỉnh về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Để khắc phục cảnh báo của Uỷ ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cũng như để tạo dựng và giữ uy tín thương hiệu thuỷ sản của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng trên thị trường quốc tế, tỉnh đã xây dựng và ban hành chương trình hành động chống khai thác bất hợp pháp. Theo đó, chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của IUU bằng việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan.

Cà Mau: Thực hiện tốt Luật Thủy sản, gắn với chống khai thác hải sản bất hợp pháp đến ngư dân - Ảnh 1.

Nguyên liệu thuỷ sản khai thác và nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu vào các cảng sẽ được kiểm tra chặt chẽ để chứng nhận nguồn gốc.

Để ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm các vùng biển nước ngoài, trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND (ngày 14/4/2014), về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó, chỉ thị cũng chỉ đạo rõ, các cấp, các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từng bước tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thuỷ sản.

Xây dựng dự án hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác IUU. Bắt buộc chủ tàu cá khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định; bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với các trạm quản lý tại bờ. Nhờ triển khai áp dụng tốt giải pháp này mà tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, trung tâm kiểm soát tàu cá đã kịp thời phát hiện và kêu gọi 15 tàu cá trên địa bàn khai thác thuỷ sản vượt ranh giới quay về vùng biển Việt Nam.

 Liên quan đến hoạt động tuần tra kiểm soát, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam cho biết, sở đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và thanh tra. Theo đó, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thuỷ sản và Bộ luật Hình sự. Đồng thời, xử lý ở mức cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng với hành vi đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác.

Không chỉ vậy, hiện lực lượng biên phòng, lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản và cán bộ quản lý cảng cá bố trí thường trực tại các cảng cá để tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thuỷ sản; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản khai thác và nguyên liệu thuỷ sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam.

Song song với tổ chức tuần tra, kiểm soát là việc tiến hành tổ chức lại đội tàu khai thác hải sản trên các vùng biển phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi. Thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định về quản lý tàu thuyền và các biện pháp bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đặc biệt, triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu thuyền, hoạt động khai thác, lao động, sản lượng lên bến, đăng ký, cấp phép tàu cá tại địa phương.

Một trong những động thái tích cực cho thấy quyết tâm của tỉnh trong quản lý cũng như đẩy mạnh hiệu quả và bền vững nghề khai thác là vừa qua UBND tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang về tuần tra chung trong khai thác thuỷ sản trên vùng biển 2 tỉnh và chống khai thác IUU. Theo kế hoạch phối hợp, các lực lượng 2 tỉnh sẽ tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các tàu cá đang hoạt động khai thác trên vùng biển 2 tỉnh, cũng như việc nhập xuất bến của các phương tiện từ tháng 7 đến hết năm 2020. Kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đầy đủ thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân 2 tỉnh trong quá trình hoạt động khai thác thuỷ sản.

Chủ động, quyết liệt và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trên nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài. Đồng thời, cũng để nghề khai thác ngày một hiệu quả và bền vững./.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà số vụ tai nạn và tình hình an ninh trật tự trên biển giảm đáng kể so với những năm trước. Cụ thể về trật tự trên biển đã xảy ra 12 vụ liên quan đến 10 đối tượng, thiệt hại tài sản 1,2 tỷ đồng (giảm 7 vụ, 19 đối tượng). Tai nạn trên biển xảy ra 27 vụ, làm chìm và hỏng 13 tàu cá, thiệt hại tài sản khoảng 5,7 tỷ đồng (giảm 9 vụ).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem