Cả tỉnh chẳng có nổi một giáo viên đạt chuẩn ngoại ngữ

Thứ ba, ngày 15/04/2014 16:06 PM (GMT+7)
Có tỉnh không có giáo viên nào đạt chuẩn, có tỉnh được 5-10%. Với tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn quá thấp như vậy, nhiều tỉnh lo ngại không thể dạy ngoại ngữ “chuẩn” được.
Bình luận 0
Đó là thông tin được Sở GD ĐT nhiều địa phương phản ánh tại Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2014 khối các địa phương do Bộ GD ĐT tổ chức ngày 15.4, tại Hà Nội.

Khi triển khai thực hiện Đề án này, Sở GD ĐT Bắc Kạn đã tiến hành kiểm tra trình độ giáo viên ngoại ngữ thì toàn tỉnh không có một giáo viên nào đạt chuẩn. Để khắc phục Sở này đã phải tự bồi dưỡng kết hợp bồi dưỡng theo chương trình của Bộ GD ĐT kết hợp với các trung tâm ngoại ngữ để nâng cao trình độ thường xuyên cho giáo viên.

Dạy ngoại ngữ tại trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên)
Dạy ngoại ngữ tại trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên)

Lãnh đạo Sở cho biết: “Do trình độ giáo viên quá thấp nên sau đào tạo cả tỉnh chỉ có 15 giáo viên đạt chuẩn. Riêng việc triển khai dạy ngoại ngữ 10 năm (từ lớp 3) thì không thực hiện được vì không đủ điều kiện giáo viên”.

Tương tự, tại Cao Bằng, Sở GD ĐT tỉnh này đã phải huy động cả giáo viên THPT xuống dạy ở các trường tiểu học vì thiếu giáo viên đạt chuẩn. Ở các khu vực miền xuôi, tình trạng có “khả quan” hơn nhưng con số giáo viên đạt chuẩn để có thể thực hiện giảng dạy theo đề án cũng rất khiếm tốn…

Cụ thể, tỉnh Hải Dương chỉ có 26% giáo viên tiểu học, 31% giáo viên THCS và 52% giáo viên THPT đạt chuẩn, cả tỉnh Hưng Yên cũng chỉ có 300 giáo viên đạt chuẩn.

Lãnh đạo Sở GD ĐT tỉnh Hưng Yên cho biết: “Giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra các kỹ năng nghe nói vì không được thực hành và đào tạo thường xuyên”.

Trong khi đó, nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ ở nông thôn thấy mệt mỏi vì phải chạy theo các khóa đào tạo ngắn hạn, gấp gáp.

Cô Nguyễn Khánh Thương – giáo viên Tiếng Anh của một trường THCS ở Hải Phòng cho biết: “Mỗi khóa đào tạo chỉ có thể diễn ra trong dịp hè 2 tháng, giáo viên không đủ thời gian để học. Điều kiện đi lại học hành cũng rất vất vả vì phải lên các trung tâm, các trường ĐH ở thành phố. Trong khi đó việc thi lấy chứng chỉ ở một số trường khác nhau. Có trường chỉ 6,5 điểm là đạt C1 nhưng có trường phải 7 điểm mới đạt. Giáo viên rất hoang mang”.

Ông Bùi Đức Cường – Giám đốc Sở GD ĐT Thái Nguyên cho rằng việc chọn trường đủ điều kiện để thực hiện đề án theo tiêu chuẩn của Bộ ở vùng nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn: “Có trường đủ điều kiện cơ sở vật chất thì thiếu giáo viên đạt chuẩn và ngược lại. Bộ cần linh hoạt hơn để giúp các trường có “tiềm năng” thực hiện đề án và bổ sung các điều kiện trong quá trình triển khai”.

Thứ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Vinh Hiển – Trưởng Ban đề án cho rằng yêu cầu tiên quyết của việc thực hiện đề án vẫn là trình độ năng lực giáo viên vì vậy “khó ở đâu, gỡ ở đấy”.

Ngoài việc tăng cường giáo viên bản ngữ thì các Sở cần lưu ý đến việc tuyển dụng giáo viên đã đạt chuẩn, việc đào tạo nâng trình độ giáo viên cũng vẫn cần triển khai đồng bộ và liên tục. Bộ sẽ lưu ý và sớm có chỉ đạo khắc phục vấn đề này.
Tùng Anh (Tùng Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem