Các "nhà" hời hợt, liên kết chuỗi sản xuất nông sản chưa hiệu quả

Nguyễn Quỳnh Thứ sáu, ngày 12/04/2019 21:00 PM (GMT+7)
Liên kết sản xuất mang lại hiệu quả rõ nét đối với nông dân, các tổ chức nông dân và doanh nghiệp tham gia. Khi liên kết được thiết lập, có thể tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ rủi ro, nhờ đó thiết lập sự cân bằng của quá trình sản xuất, giảm bớt tình trạng được mùa - mất giá...
Bình luận 0

Đó là những đánh giá, chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức mới đây.

Liên kết chưa hiệu quả vì hời hợt

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, thực tế cho thấy sản xuất nhỏ lẻ với hình thức nông hộ, làm ăn riêng lẻ, mạnh ai người nấy làm đã dẫn đến năng suất không cao, sản phẩm chủ yếu dưới dạng thô không có nhãn hiệu, tính cạnh tranh thấp, đầu ra không ổn định.

img

Các đại biểu tham quan mô hình nông nghiệp tại Xóm Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội.  Ảnh: N.Q

Sở NNPTNT đã ban hành 2 văn bản về quản lý và phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn để hướng dẫn các đơn vị tham gia chuỗi thực hiện hiệu quả. Đến nay, Hà Nội đã duy trì và phát triển được 121 chuỗi liên kết rau thịt an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ.

Trong điều kiện kinh tế hội nhập hiện nay, không có con đường nào khác là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Khác với phương thức sản xuất truyền thống, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu các khâu từ cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản.

Theo ông Khởi, hiện nay các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đang được xây dựng và phát triển với các hình thức phổ biến như liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua đại diện là hợp tác xã, tổ hợp tác, có sự tham gia của nhà nước và nhà khoa học, còn gọi là liên kết “4 nhà”, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân và mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, theo ông Khởi, hiện nay liên kết theo chuỗi trong nông nghiệp còn rất ít và yếu. Ngay hình thức liên kết giữa nông dân với nhau qua HTX kiểu cũ đã lỗi thời, không hiệu quả, thậm chí còn cản trở phát triển sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính yếu... Do vậy, tỉ lệ liên kết thành công giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiện chưa được như kỳ vọng, nhiều trường hợp còn gây thiệt hại lớn cho các bên.

Quan tâm phát triển chuỗi cả về chất và lượng

Đối với Hà Nội, theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, có những ưu thế đặc biệt của Thủ đô cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng. Trong thời gian qua, các địa phương đều nhận thấy được khả năng, cơ hội liên kết, hợp tác rất lớn với Hà Nội trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Ngược lại, những thế mạnh của các tỉnh, thành phố mở ra cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư, đồng thời bổ sung cho Hà Nội những sản phẩm nông sản chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, những năm qua TP.Hà Nội luôn quan tâm đến việc phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Theo đó, Sở NNPTNT đã ban hành 2 văn bản về quản lý và phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn để hướng dẫn các đơn vị tham gia chuỗi thực hiện hiệu quả.

Đến nay, Hà Nội đã duy trì và phát triển được 121 chuỗi liên kết rau thịt an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ. Để phát triển các chuỗi này cả về chất và lượng, Sở NNPTNT Hà Nội đã triển khai một số hoạt động như: Tổ chức hội nghị xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp 21 tỉnh, thành trong ban điều phối chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn; đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm… cho các đối tượng tham gia chuỗi.

“Thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố để thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của HTX nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện liên kết với HTX. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất tốt của Hà Nội và các địa phương nhằm phục vụ công tác kết nối giao thương” - ông Trần Văn Khởi đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem