Cách ly xã hội: Chợ, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, không thiếu hàng hóa
Trao đổi nhanh với Thanh Niên chiều 31.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định không có xáo trộn, khó khăn gì trong việc cung ứng hàng hóa đến người dân, đặc biệt là các hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cách ly xã hội 15 ngày. Thêm vào đó, thời gian vừa qua, Hà Nội cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp tích trữ hàng hóa lên đến 300%, chuẩn bị cho mọi tình huống.
Ngoài ra, tại Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu người dân chỉ không tụ tập nơi công cộng, vẫn được ra ngoài vì các nhu cầu thiết yếu như mua lương thực, thực phẩm. Theo ông Chung, người dân không cần quá lo lắng!
Cách đây 2 tuần, Chủ tịch Hà Nội cũng đã cho xe chở hàng chạy vào nội thành 24/24, thay vì chỉ được chạy ban đêm như trước, để tăng cường cung ứng hàng hóa cho Thủ đô. Đến thời điểm này, chính sách vẫn được duy trì. Chuỗi cung ứng sẽ không đứt gãy.
Trong chỉ thị yêu cầu cách ly toàn xã hôi, Thủ tướng cũng nêu rõ người dân có thể ra ngoài "trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động; và các trường hợp khẩn cấp khác".
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp.
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, dù Hà Nội đã dừng những dịch vụ kinh doanh không cần thiết kể từ 25.3, nhưng cung ứng hàng thiết yếu đã được chuẩn bị sẵn sàng.
“Khi có lệnh đóng cửa những dịch vụ không thiết yếu, người dân cũng có lo lắng, sức mua ở chợ lại tăng 20 - 50%. Chúng tôi phải gọi cho các doanh nghiệp, các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân không nên tích trữ, bởi vì hệ thống phân phối có đầy đủ hàng phục vụ người dân với giá cả không tăng”, theo bà Lan.
Số liệu của Sở Công thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 26 trung tâm thương mại, chỉ riêng Tràng Tiền kinh doanh quần áo, mỹ phẩm cao cấp, còn lại 25 trung tâm thương mại đều kinh doanh đa dạng, trong đó có siêu thị.
Thêm vào đó, thành phố có 141 siêu thị (103 siêu thị tổng hợp, 38 siêu thị chuyên doanh), 674 cửa hàng gas, hơn 400 chợ… Đây là các đối tượng được mở cửa, để phục vụ hàng hóa bình thường.
Đó là chưa kể đến các chợ quy mô nhỏ, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, trái cây thì mở cửa cùng với cửa hàng thuốc, phòng khám, ngân hàng…
“Đối với việc dự trữ hàng hoá, theo chỉ đạo của Bộ Công thương, chúng tôi đã xây dựng lại phương án 3, theo 5 cấp độ, để tổ chức triển khai thực hiện và chúng tôi cũng sẽ gửi lại cho các doanh nghiệp, UBND các quận, huyện để trên cơ sở đó, rà soát, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cung ứng cho sát, phù hợp từng cấp độ”, bà Lan cho biết.
Sở Công thương Hà Nội cũng nhiều lần khẳng định việc các doanh nghiệp đã chuẩn bị tích trữ hàng thiết yếu có thể đáp ứng nhu cầu trong ít nhất 1 tháng đến 3 tháng, nhiều doanh nghiệp tăng dự trữ lên 300%.