Quy định thủ tục hành chính lĩnh vực đường sắt có hiệu lực từ 1/7
Bộ Xây dựng công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường sắt hiệu lực từ 1/7
Bộ Xây dựng đã ban hành các quy định mới về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đường sắt thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.
Các quy định mới nhằm thực hiện Thông tư số 09/2025/TT-BXD ban hành ngày 13/6/2025. Loạt quy định nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều tại các thông tư hiện hành, để phù hợp với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và phân cấp quản lý cho địa phương.
Theo đó, các thủ tục liên quan đến đường ngang gồm: Cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang; bãi bỏ đường ngang; gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang.

Chủ đầu tư dự án hoặc chủ quản lý, sử dụng đường ngang nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua môi trường điện tử hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, bãi bỏ hoặc gia hạn giấy phép về: Cục Đường sắt Việt Nam đối với đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia do Bộ Xây dựng tổ chức quản lý, bảo trì; gửi về UBND cấp tỉnh đối với đường ngang chuyên dùng xây dựng trên đường sắt quốc gia, đường ngang công cộng do UBND cấp tỉnh tổ chức quản lý, bảo trì.
Các thủ tục liên quan đến phương tiện gồm: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; xóa, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, chủ sở hữu phương tiện nộp 1 bộ hồ sơ qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua hệ thống bưu chính đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, các thủ tục gửi đến Cục Đường sắt Việt Nam đối với đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện trên đường sắt quốc gia; đến UBND cấp tỉnh (nơi có đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị) đối với cấp Giấy chứng nhận đăng ký tiện trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.
Với các thủ tục liên quan đến kết nối các tuyến đường sắt gồm: Chấp thuận chủ trương kết nối các tuyến đường sắt; cấp Giấy phép kết nối các tuyến đường sắt; gia hạn giấy phép kết nối, bãi bỏ kết nối các tuyến đường sắt. Bộ Xây dựng quy định tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền bằng cách trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính.
Cụ thể, các thủ tục gửi Bộ Xây dựng đối với các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng với đường sắt quốc gia; gửi UBND cấp tỉnh đối với các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn quản lý; các tuyến đường sắt đô thị đi qua địa giới hành chính hai tỉnh trở lên trong trường hợp vị trí kết nối trên địa bàn quản lý.
Phân cấp cấp phép xây dựng đường ngang đường sắt cho địa phương
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 869/QĐ-BXD công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đường sắt thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Các quyết định này cũng có hiệu lực từ 1/7/2025.
Theo đó, thủ tục chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang (áp dụng đối với đường sắt có tốc độ thiết kế dưới 100 km/h giao nhau với đường bộ; hoặc giao với đường bộ cấp IV trở xuống) sẽ được phân cấp cho hai cơ quan thực hiện: Cục Đường sắt Việt Nam và UBND cấp tỉnh.
Việc sửa đổi này nhằm triển khai Nghị định số 144/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ, hướng đến phân cấp triệt để giữa cơ quan trung ương và chính quyền địa phương; đồng thời phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong quản lý Nhà nước về xây dựng và giao thông.

Chủ đầu tư dự án xây dựng đường ngang cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương và gửi đến cơ quan có thẩm quyền thông qua một trong các hình thức: nộp trực tiếp, qua bưu điện, qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương hoặc Bộ Xây dựng, hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đối với các tuyến đường ngang chuyên dùng trên đường sắt quốc gia hoặc đường ngang công cộng do Bộ Xây dựng tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì, đơn vị gửi hồ sơ đến Cục Đường sắt Việt Nam.
Nếu đường ngang chuyên dùng hoặc đường ngang công cộng do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì, đơn vị gửi hồ sơ đến UBND cấp tỉnh.
Trong 2 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính sẽ gửi văn bản lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Với hồ sơ chưa hợp lệ, phải có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.
5 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản lấy ý kiến, cơ quan, tổ chức liên quan phải trả lời bằng văn bản. Nếu không phản hồi đúng hạn thì được hiểu là đồng ý và đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về sự đồng thuận ngầm này.
Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính ban hành văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang và gửi cho chủ đầu tư.
Trường hợp không chấp thuận, phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.