Cấm "thông thầu" hoặc lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt vốn đầu tư công

20/08/2024 10:52 GMT+7
Trong 11 điều cấm tại dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi vừa được Bộ KH&ĐT soạn thảo, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý, sửa dụng đầu tư công được nhấn mạnh đặc biệt.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, trong đó các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công được cụ thể hóa.

Điển hình, Luật Đầu tư công sửa đổi cấm việc đưa ra quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Cấm thông thầu hoặc lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thời gian thi công (Ảnh: AT).

Đối với chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Cấm đưa ra quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án không đúng với các nội dung về mục tiêu, quy mô, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn, vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đặc biệt, dự thảo Luật đề xuất cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Cấm hành vi thông đồng của chủ đầu tư với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân và của cộng đồng.

Luật cũng đưa ra quy định cấm việc: "đưa, nhận và môi giới hối lộ" trong các hoạt động liên quan đến vốn đầu tư công.

Đặc biệt, dự thảo Luật Đầu tư công đề nghị cấm hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.

Hoặc làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

Cơ quan soạn thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đề xuất cấm việc cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.

Bên cạnh đó cấm hành vi cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

An Linh
Cùng chuyên mục