"Việc áp thuế không nhằm tới Việt Nam": Diễn biến "nóng" về đơn hàng của doanh nghiệp
Ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một biên bản ghi nhớ, trong đó phác thảo kế hoạch áp dụng "thuế quan có đi có lại" đối với các quốc gia khác. Ông cũng ám chỉ về việc sắp công bố một loại thuế quan mới.
"Họ áp thuế quan và thuế khác lên chúng tôi, và chúng tôi đánh thuế lại họ", ông Trump tuyên bố tại một cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Ông cho rằng, Mỹ sẽ xem các rào cản thương mại phi thuế quan của các quốc gia khác là hành vi thương mại không bình đẳng, cần được đáp trả bằng thuế quan.
Trước những động thái thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper nhấn mạnh rằng chính sách thương mại mới của Mỹ nhằm thúc đẩy thương mại công bằng, bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ. "Việc áp thuế trong thời gian qua không nhắm tới Việt Nam. Hoa Kỳ muốn duy trì quan hệ song phương và hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam theo hướng tích cực", ông Knapper khẳng định trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, theo công bố sáng nay 14/2 từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương).
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/news/2025/02/14/93d1b7d381b93fe766a8-17395007406521919792515-112419.jpg)
Cơ hội cho Việt Nam khi đang không nằm trong đối tượng nhắm đến áp thuế?
Thực tế, Sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024, ông Donald Trump tái khởi động chính sách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
Tháng 1/2025, chính quyền Trump công bố kế hoạch áp thuế 60% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm sản phẩm công nghệ, điện tử và dệt may. Đến tháng 2/2025, ông Trump tiếp tục ký sắc lệnh áp thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Cụ thể, Canada và Mexico sẽ chịu mức thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu, trong khi Trung Quốc bị áp thuế 10%.
Tuy nhiên, sau đàm phán, Mỹ tạm hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada trong một tháng, với điều kiện hai nước này tăng cường kiểm soát biên giới để hạn chế nhập cư bất hợp pháp và chống buôn lậu. Riêng thuế quan đối với Trung Quốc vẫn được duy trì.
Theo bà Ngô Thị Lệ Thanh, Giám đốc Trung tâm phân tích tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), việc Mỹ áp thuế cao lên hàng Trung Quốc sẽ khiến các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế nhằm tránh chi phí nhập khẩu đắt đỏ. Việt Nam với lợi thế chi phí sản xuất cạnh tranh, quan hệ thương mại thuận lợi với Mỹ và ngành sản xuất phát triển mạnh mẽ, có cơ hội hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Bà cho biết, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ rất cao trong giai đoạn trước, và xu hướng này sẽ tiếp tục khi nhiều công ty lựa chọn Việt Nam là điểm đến sản xuất mới.
“Chúng
tôi cho rằng nếu duy trì chính sách thương mại linh hoạt, kiểm soát tốt nguồn gốc
xuất xứ hàng hóa và tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam
sẽ củng cố vị thế là trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực, tiếp tục tăng
trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, bà Thanh chia sẻ.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, năm 2017, năm 2017, khi ông Donald Trump nhậm chức, chính quyền của ông đã khởi động và leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đến năm 2019, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng hơn 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả với thuế quan lên hơn 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Dù Mỹ và Trung Quốc ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn một (Phase One Deal) vào năm 2020, căng thẳng thương mại vẫn âm ỉ.
Sau 6 năm, tổng nhập khẩu của Mỹ từ thế giới tăng 40%, đạt 3.000 tỷ USD/năm, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc lại giảm 9%, còn 424 tỷ USD/năm.
Các thị trường xuất khẩu vào Mỹ tăng trưởng đáng kể, trong đó châu Âu tăng 48,6% lên 724,8 tỷ USD/năm, Bắc Mỹ tăng 55,5% lên 893,4 tỷ USD/năm, Trung và Nam Mỹ tăng 33,6% lên 146,4 tỷ USD/năm.
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong các quốc gia đạt tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất, đạt 114,7 tỷ USD xuất khẩu vào Mỹ mỗi năm, tăng 167,5%.
Năm 2024, Việt Nam đã trở thành một đối tác thương mại lớn của Mỹ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong năm này.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/news/2025/02/14/4229209539523398464605091846212114664115263n-20250211015622316-114013.jpg)
Công ty TNHH Kẻ Gỗ.
Doanh nghiệp Mỹ tăng cường đặt hàng tại Việt Nam
Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Trần Thùy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đúc kim loại Kyoyo Việt Nam cho biết, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và dự kiến 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico cũng khiến các doanh nghiệp Mỹ tăng cường đặt hàng tại Việt Nam.
Doanh nghiệp ông cũng không ngoại lệ, với những tín hiệu tích cực khi các đơn hàng từ Mỹ tăng mạnh. “Nếu như trước đây khách hàng Mỹ chỉ đặt vài trăm sản phẩm/đơn hàng, thì đợt này đã có đơn hàng trên 1.000 sản phẩm, thậm chí trên chục nghìn sản phẩm”, ông Đặng Trần Thùy cho hay.
Tuy nhiên, ông Thùy cũng lo ngại khả năng Mỹ đánh thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ mọi quốc gia. Do đó, công ty đã lên kế hoạch mở rộng tệp khách hàng sang các thị trường tiềm năng như Anh, Đức, và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
"Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng tăng cường tổ chức hội chợ thương mại để kết nối giao thương và học hỏi công nghệ từ các doanh nghiệp FDI", ông Thùy kiến nghị.
Có chung tín hiệu vui, ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, doanh nghiệp cũng ghi nhận sự gia tăng đơn hàng từ Mỹ sau những thay đổi về thuế. "Dù không biết cơ hội này kéo dài bao lâu, nhưng chúng tôi sẽ tận dụng vì không phải lúc nào cũng có lợi thế thuế quan so với Trung Quốc", ông Kiên cho biết.
Về phía Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2025, ngành Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường, trong đó việc Mỹ đe dọa áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc gây lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng sẽ bị tác động.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.