Cần đưa ngay vàng ô vào danh mục chất cấm

Ngọc Lê (thực hiện) Thứ bảy, ngày 14/11/2015 11:05 AM (GMT+7)
Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) là người đưa ra đề xuất kiên quyết tại nghị trường, rằng không phải cứ đợi gây hậu quả chết người mới xử lý hình sự những đối tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, mà cần xử lý ngay nếu bắt quả tang được hành vi này.
Bình luận 0

img

Sử dụng chất  cấm trong chăn nuôi sẽ mang lại hậu quả khó lường cho người tiêu dùng (ảnhnh minh họa).  Ảnh:  Đ.D

Hôm qua 13.11, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, trao đổi với  NTNN, bà Khanh cho biết: Tôi đã có kiến nghị với cơ quan chức năng là đối với các chất cấm thì không quy định ngưỡng cho phép nữa. Cụ thể, tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát và ông đã hứa sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 57 về quản lý chất cấm, trong đó có việc đưa chất vàng ô vào danh mục cấm.

Theo ý bà thì chỉ cần phát hiện có chất cấm trong mẫu nước tiểu của con vật là có thể xử lý được đối tượng sử dụng chất cấm?

- Tôi cho rằng, chúng ta không quy định ngưỡng chất cấm nữa, mà căn cứ vào ngưỡng tối thiểu theo xác định của máy. Khi đó, chỉ cần căn cứ theo ngưỡng xác định của máy bao nhiêu là xử lý luôn, chứ không phải chờ đến khi xét nghiệm xem vượt ngưỡng bao nhiêu mới xử lý.

Cái khó hiện nay như đối với chất Salbutamol là bên y tế vẫn cho phép dùng để chữa bệnh, nhưng trong chăn nuôi thì lại cấm sử dụng. Đây có phải là điều khiến chúng ta không thể xử lý hình sự được hành vi này?

- Chúng ta phải xác định thịt gà, lợn... là thực phẩm tiêu dùng hàng ngày và nếu không sửa đổi các quy định của pháp luật hiện nay, sẽ không thể xử lý hình sự được. Chẳng hạn như đối với việc sử dụng chất Salbutamol trong chăn nuôi, rất khó truy xuất xem ai là người sử dụng, vì chúng ta không có quy định thương lái hay người chăn nuôi phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều vụ sử dụng chất cấm, cơ quan chức ăn chỉ lấy mẫu mới phát hiện. Vậy với vụ trộn chất vàng ô vào TACN như ở Hải Dương bị bắt quả tang, vì sao chúng ta vẫn không thể tiến hành xử lý hình sự?

- Riêng vụ ở Hải Dương, nếu bắt quả tang thì có thể xử theo Nghị định 119, tức là họ vượt mức quy định là bao nhiêu, nhưng việc xử lý rất khó vì chúng ta chưa đưa vàng ô vào danh mục cấm. Do đó, phải nhanh chóng sửa đổi quy định của pháp luật để đưa chất này vào danh mục cấm. Tôi cho rằng, việc sử dụng chất cấm này, còn tác hại hơn cả ma túy. Có thể nói, những người sử dụng chất cấm này cho chăn nuôi là không còn tính người nữa, phải xử lý cho đến nơi, đến chốn. Đây là một tội ác không thể nào tưởng tượng được. Có thể, đây chỉ là một phát hiện nhỏ, trên thực tế việc vi phạm còn diễn ra lớn hơn nhiều.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem