Cận Tết lừa đảo mạo danh ngân hàng biến đổi như 'virus', khó tiêu diệt hết

Huyền Anh Thứ tư, ngày 29/12/2021 08:18 AM (GMT+7)
Tình trạng mạo danh tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng gửi cho khách hàng nhằm đánh cắp thông tin/chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng nếu khách hàng thực hiện theo các chỉ dẫn của tin nhắn lừa đảo này có chiều hướng gia tăng mạnh trong những ngày cận Tết dương lịch 2022 mặc dù các ngân hàng thường xuyên lên tiếng cảnh báo.
Bình luận 0

Tin nhắn lừa đảo mạo danh ngân hàng gia tăng cận Tết dương lịch 2022

Trao đổi với Dân Việt, Nguyễn Thanh H. (Hà Nội) cho biết, chị nhận được tin nhắn của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với nội dung "Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải bạn đang giao dịch, vui lòng đăng nhập shb.com-sl.info để hủy giao dịch".

Thế nhưng, vì đã được ngân hàng thường xuyên khuyến cáo cũng như đọc thông tin trên báo chí về việc lừa đảo mạo danh ngân hàng nên chị H không click vào đường link kể tên, thay vào đó chị đã điện cho nhân viên ngân hàng và được xác nhận cảnh báo đó là thông tin giả mạo. Đồng thời, nhân viên ngân hàng hướng dẫn chị H cách bảo mật thông tin và giao dịch an toàn.

img
img

Tin nhắn khuyến cáo từ ngân hàng và tin nhắn giả mạo ngân hàng (Ảnh: NVCC)

Khi được hỏi về các hình thức khuyến cáo của ngân hàng tới khách hàng, chị H cho biết: chị thường xuyên nhận được tin nhắn và email cảnh bảo do ngân hàng gửi đến, các tin nhắn này đều không yêu cầu khách hàng phải truy cập vào bất cứ đường link nào mà chỉ cảnh báo khách hàng và nhấn mạnh đường link duy nhất của ngân hàng, kèm theo đó là số đường dây nóng. Không chỉ thể, chỉ cần mở app của ngân hàng trên điện thoại các cảnh báo của ngân hàng đều hiện ra đầu tiên thu hút sự chú ý của khách hàng.

"Theo tôi thấy, việc khách hàng gửi tin nhắn, email hay đăng tải các khuyến cáo trên website và các ứng dụng của ngân hàng là hình thức cảnh báo nhanh nhất đối với khách hàng. Quan trọng là khách hàng như chúng tôi phải thận trọng hơn trong các giao dịch của mình", chị H thông tin thêm với Dân Việt.

Trên thực tế, kể từ đầu mùa dịch đến nay, các đối tượng lừa đảo giả mạo tin nhắn mạo danh của nhiều nhà băng như VPBank, Vietcombank, ACB, Vietcombank, Techcombank,... đặc biệt là giai đoạn cuối năm lừa đảo qua tin nhắn giả mạo ngân hàng có xu hướng gia tăng mạnh.

Trước thực tế này, các ngân hàng thường xuyên cảnh báo nhưng vẫn có không ít khách hàng "sập bẫy" thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao dẫn đến mất tiền oan.

Lừa đảo tin nhắn ngân hàng: Biến đổi như 'virus', khó có thể tiêu diệt hết - Ảnh 2.

Lừa đảo mạo danh ngân hàng gia tăng dịp cuối năm. (Ảnh: LT

Lừa đảo mạo danh ngân hàng: Biến đổi như 'virus', khó có thể tiêu diệt hết

Trả lời câu hỏi của Dân Việt tại buổi họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, an toàn cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng là vấn đề lớn được ngành ngân hàng rất quan tâm.

"Trước hết đó là trách nhiệm của nhà cung ứng dịch vụ, Vì vậy, các ngân hàng thương mại cần phải có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân không chỉ bằng hình thức nhắn tin mà sẽ phải dùng nhiều hình thức khác như sử dụng truyền thông để cho người dân hiểu được sử dụng thẻ thế nào cho an toàn.

Về phía khách hàng cũng cần có ý thức bảo vệ tốt các thông số bí mật để đảm bảo an toàn cho chính mình. Bởi lẽ thống kê cho thấy tỷ lệ rủi ro mất tiền do hacker tấn công mạng và lấy được thông tin khách hàng chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu vẫn là do sơ suất của người sử dụng làm lộ thông tin, mật khẩu", Phó Thống đốc cho hay.

Lừa đảo tin nhắn ngân hàng: Biến đổi như 'virus', khó có thể tiêu diệt hết - Ảnh 3.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin về thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn giả mạo ngân hàng. (Ảnh: LT)

Về phía ngân hàng thương mại, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng thừa nhận với PV Dân Việt, cảnh bảo cho khách hàng là việc thường xuyên của ngân hàng khi hệ thống ngân hàng phát hiện thấy loại hình lừa đảo. Các ngân hàng gửi cảnh báo tới ngân hàng bằng email, tin nhắn, thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông, phòng giao dịch và các đường dây nóng của ngân hàng.

Cũng theo bà Phượng, số lượng cảnh báo tới các khách hàng ngày càng nhiều hơn, đó là nỗ lực để các ngân hàng thông tin tới khách hàng kịp thời các hình thức tội phạm, lừa đảo mới 1 cách nhanh nhất và rộng rãi nhất.

Thời gian vừa qua Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an cũng đã vào cuộc quyết liệt đã phát hiện xử lý một số vụ án tội phạm công nghệ cao. Đây cũng là động thái để người sử dụng dịch vụ ngân hàng cảnh giác với tất cả các tin nhắn, cho dù là giả mạo hay không giả mạo thì khách hàng đều phải kiểm tra và kênh kiểm tra chính là các đường dây nóng của ngân hàng.

"Tội phạm tài chính ngày càng nở, biến dạng liên tục như virus nên cũng không hy vọng một sớm 1 chiều sẽ có thể tiêu diệt hết được, thậm chí còn tiếp tục gia tăng. Về phía ngân hàng thời gian tới sẽ tăng cường tuyên truyền đến với khách hàng, tới cộng đồng nâng cao cảnh giác", Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay.

Về định hướng, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) thông tin: Về phía ngân hàng, ngoài biện pháp chủ động truyền thông cảnh báo cho khách hàng, sắp tới đây Vụ Thanh toán cũng đề xuất với Thống đốc đưa vào Chỉ thị 02 ban hành đầu năm 2022 về chuyển đổi số nội dung về tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán, gắn với việc nâng cao nhận thức tuyên truyền của người dân trước hoạt động lừa đảo của tội phạm.

Ngoài ra trong tháng 11, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và 2 Bộ liên quan là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để có xử lý căn cơ hơn tình trạng này. "Chúng tôi hy vọng trong năm tới không chỉ có biện pháp về truyền thông mà sẽ có những biện pháp về kỹ thuật để xử lý tình trạng lừa đảo", ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, hồi tháng 8 trong văn bản gửi các nhà mạng viễn thông, một nội dung quan trọng mà Hiệp hội Ngân hàng nhắc đến là "tố" nhà mạng không hợp tác trong chuyện xử lý hiện tượng lừa đảo dưới hình thức tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname). "Sự việc rủi ro này qua rất nhiều tháng đến nay nhưng các nhà mạng vẫn không thông báo rõ ràng về nguyên nhân, cũng như chưa phối hợp với các tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng để xử lý sự việc đến cùng, gây hoang mang cho rất nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ", văn bản của hiệp hội có đoạn đề cập.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc quỹ đầu từ DG Investment cho rằng, với mỗi khách hàng đều phải trả tiền phí hàng tháng cho các dịch vụ của ngân hàng trong đó có cả phí các tin nhắn. Trước thực tế này, các nhà mạng cần có trách nhiệm trong việc gia tăng bảo mật, ngăn ngừa và phối hợp với các ngân hàng "vá lỗ hổng" dịch vụ tin nhắn SMS nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem