Cận Tết rau màu mất mùa, rớt nửa giá, nông dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ năm, ngày 25/01/2024 05:12 AM (GMT+7)
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề, nhiều nông dân tại thành phố Đà Nẵng vừa tích cực chăm bón cho ruộng rau tươi tốt, vừa tất bật tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, rau quả rớt giá.
Bình luận 0

Dịp cận Tết Nguyên đán 2024, nông dân nhiều nơi xuống giống các loại rau quả phổ biến như: rau cải, xà lách, hành ngò, đậu cô ve, khổ qua (mướp đắng), dưa leo... để đáp ứng nhu cầu thị trường mùa cao điểm.

Cận Tết rau màu mất mùa, rớt nửa giá, nông dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn- Ảnh 1.

Bà Hương thu hoạch rau cải để bán cho thương lái với giá 80.000 đồng/chục (10 bó) dịp cận Tết. Ảnh: T.N.

Tuy nhiên, việc nhiều vùng trồng rau trong và ngoài địa phương đều tăng gia sản xuất khiến nguồn hàng dồi dào và lượng cung lớn. Thêm vào đó, dịp cận Tết nhiều gia đình giữ thói quen tự sản xuất rau sạch tại nhà, giảm thiểu chi tiêu, nhu cầu không tăng mạnh. Điều này đã dẫn đến sự dư thừa, rau quả của nông dân địa phương sản xuất bị rớt giá.

Tại vùng rau thuộc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hoà Vang), có hơn 40 hộ dân canh tác trên diện tích 8ha. Để cung cấp cho thị trường Tết, nông dân bắt đầu xuống giống từ tháng 11 âm lịch, hiện nay đã vào vụ thu hoạch.

Cận Tết rau màu mất mùa, rớt nửa giá, nông dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn- Ảnh 2.

Thời tiết lạnh và sương muối khiến cây chậm phát triển, năng suất thấp, nông dân lại càng buồn rầu khi rau, quả rớt giá. Ảnh: T.N.

Bà Lâm Thị Hương (65 tuổi) buồn rầu nói: "Vụ Tết năm nay, tôi sản xuất hơn 3 sào rau đậu các loại, đậu cô ve và khổ qua do thời tiết lạnh, sương muối nên chậm phát triển, cho năng suất thấp. Các luống rau ngắn ngày như rau cải, xà lách cũng sinh trưởng chậm, héo úa, chỉ có giá 80.000 đồng/chục (10 bó).

Cận Tết rau màu mất mùa, rớt nửa giá, nông dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn- Ảnh 3.

Vườn khổ qua gai của anh Quang hiện giảm còn 14.000 đồng/kg, giảm một nửa so với trước đó. Ảnh: T.N.

Cận Tết năm ngoái, giá khổ qua đạt 50.000-70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 10.000 đồng/kg, khổ qua gai giảm còn 15.000 đồng/kg, đậu cô ve còn 12.000 đồng/kg nhưng ít người mua. Nếu như dịp này năm trước, tôi có thể kiếm được 500.000 đồng/ngày, thì bây giờ kiếm được 200.000 đồng lấy công làm lời là mừng lắm rồi".

Cận Tết rau màu mất mùa, rớt nửa giá, nông dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn- Ảnh 4.

Dưa leo tại vườn chỉ 10.000 đồng/kg. Ảnh: T.N.

Canh tác 7 sào rau quả các loại đang thu hoạch dịp cận Tết, anh Phan Thanh Quang (36 tuổi, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) cho biết giá rau củ quả dịp Tết thay đổi liên tục theo sức tiêu thụ của thị trường. Có những lúc giá bán rau không đủ tiền vốn bỏ ra làm giàn, bón phân, mua hạt giống và nhiều thứ khác, nhưng có những ngày giá tăng cao mà không có hàng để bán.

Anh Quang chia sẻ: "Dù có một số đầu mối tiêu thụ với giá cả ổn định nhưng với tình hình chung giá rau củ quả giảm mạnh tôi phải giảm giá bán, khổ qua chỉ còn 14.000 đồng/kg, dưa leo 10.000 đồng/kg, đậu cô ve 15.000 đồng/kg, kiệu hương 30.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày tôi xuất bán 30kg rau quả các loại, thu lời khoảng 300.000 đồng".

Cận Tết rau màu mất mùa, rớt nửa giá, nông dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn- Ảnh 5.

Kiệu hương có giá bán ổn định dịp cận Tết, đạt 30.000 đồng/kg. Ảnh: T.N.

Tại cánh đồng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), nông dân đang tích cực chăm bón những luống rau màu với hi vọng sắp tới thị trường tiêu thụ dịp Tết sẽ ổn định hơn.

Cần mẫn bên 3 sào trồng khổ qua và mướp, ông Lê Sỹ Ca (70 tuổi) tâm sự: "Dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán, thì những mặt hàng như rau, khổ qua, dưa leo thường sẽ bán chạy. Nhưng giá rau hiện nay vẫn rất rẻ, dao động từ 70.000-120.000 đồng/12 bó (tùy loại), khổ qua mới hái bán 1 tuần trước tại vườn giá 30.000 đồng/kg, thì nay đã rớt giá còn 15.000 đồng/kg.

Cận Tết rau màu mất mùa, rớt nửa giá, nông dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn- Ảnh 6.

Ông Ca cho biết giá khổ qua bán 1 tuần trước tại vườn là 30.000 đồng/kg, thì nay đã rớt giá còn 15.000 đồng/kg. Ảnh: T.N.

Các chợ truyền thống dịp cuối năm khách hàng cũng thưa thớt, nên thương lái thu mua ít hoặc ép giá. Thu nhập chỉ đủ tôi chi trả chi phí sản xuất, có lời hay không còn hi vọng vào những ngày 28, 29 Tết".

Ông Mai Văn Y (71 tuổi) cho biết, để tránh tình trạng ùn ứ, thương lái ép giá vụ Tết nên ông chuyển đổi trồng rau sang trồng 3 sào bắp cải và súp lơ xanh, với thời gian sinh trưởng khoảng 60 ngày. Những năm trước, nếu được giá thì bắp cải, súp lơ dao động từ 20.000-25.000 đồng/cái, nhưng hiện nay chỉ khoảng 15.000/cái.

Cận Tết rau màu mất mùa, rớt nửa giá, nông dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn- Ảnh 7.

Ông Mai Văn Y chuyển đổi trồng rau sang trồng 3 sào bắp cải và súp lơ xanh để bán dịp Tết. Ảnh: T.N.

Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau an toàn La Hường cho biết: "Hợp tác xã có khoảng 7,5ha diện tích được nông dân cày xới, gieo trồng trở lại sau các đợt mưa lớn. Trồng đa dạng các loại rau, quả với kỳ vọng được mùa được giá để có thêm thu nhập khá đón Tết.

Cận Tết rau màu mất mùa, rớt nửa giá, nông dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn- Ảnh 8.

Hiện nay giá bắp cải chỉ khoảng 15.000/1 cái. Ảnh: T.N.

Nhưng hiện nay sức tiêu thụ của Hợp tác xã giảm so với dịp này năm trước, nguồn hàng rau, củ, quả từ các nơi như Quảng Nam, Gia Lai đổ nhiều về các chợ, khiến giá thành giảm. Bên cạnh đó, dịp Tết người dân thường tăng gia sản xuất, tận dụng sân vườn, đất trống để trồng rau xanh, các loại củ quả nên sức mua giảm đáng kể".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem