Căng thẳng Nga- NATO: Đức bất ngờ cảnh báo đáng ngại

Tuấn Anh (Theo RT) Chủ nhật, ngày 20/11/2022 07:58 AM (GMT+7)
Công dân châu Âu có lý do để lo lắng, Thủ tướng Olaf Scholz thừa nhận khi nói về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Nga và NATO.
Bình luận 0
Căng thẳng Nga- NATO: Đức đưa ra cảnh báo đáng ngại - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh IT

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, phương Tây nên cố gắng hết sức để ngăn chặn sự leo thang giữa Nga và NATO, đồng thời nhấn mạnh rằng cần tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga.

Phát biểu tại một hội nghị của Đảng Dân chủ Xã hội ở thành phố Friedrichshafen, miền nam nước Đức, ông Scholz thừa nhận rằng nhiều công dân châu Âu "đang sợ hãi và có lý do cho điều đó". Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, ông lưu ý rằng các nước phương Tây nên "lo ngại rằng không có sự leo thang nào có thể dẫn đến chiến tranh giữa Nga và NATO."

"Điều quan trọng là phải hành động thận trọng và dứt khoát cùng một lúc", ông nói thêm.

Bình luận của ông Scholz được đưa ra sau khi tháng trước ông cảnh báo không nên thực hiện "những bước đi bất cẩn" trong cuộc xung đột Ukraine. "Không được có xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO", ông nhấn mạnh vào thời điểm đó.

Với mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đã xuống mức thấp mới sau khi Moscow bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine, lo ngại về một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO gần đây đã được kích hoạt bởi một tên lửa đã rơi xuống một ngôi làng Ba Lan gần biên giới Ukraine.

Ngay sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố rằng quả đạn là "do Nga sản xuất". Sau đó, các nhà chức trách của quốc gia này đã báo hiệu rằng họ có thể viện dẫn Điều 4 của Hiệp ước NATO, cho phép bất kỳ thành viên nào của khối yêu cầu tham vấn nếu họ tin rằng an ninh của mình đang bị đe dọa.

Sau vụ nổ, Tổng thống Ukraine Zelensky đổ lỗi cho Nga, gọi vụ việc là "sự leo thang rất nghiêm trọng" và một cuộc tấn công vào NATO cần phải có phản ứng. Tuy nhiên, cuối cùng các quan chức phương Tây thừa nhận tên lửa này có nguồn gốc từ Ukraine chứ không phải Nga.

Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc, nói rằng các chuyên gia quân sự của họ đã phân tích các bức ảnh từ hiện trường và xác định mảnh vỡ là một phần của tên lửa hệ thống phòng không S-300 do Ukraine sử dụng.

Đức cùng với nhiều nước phương Tây khác đã và đang cung cấp cho Ukraine khí tài quân sự, bao gồm súng phòng không Gepard, bệ phóng rocket đa năng MARS II và hệ thống phòng không IRIS-T. Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng các chuyến hàng vũ khí sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột Ukraine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem