Căng thẳng Nga-Ukraine: Putin khiến Mỹ, NATO "đoán già đoán non"

Phương Đăng (theo Stripes) Chủ nhật, ngày 12/12/2021 19:00 PM (GMT+7)
Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với tình thế khó xử trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine ngày càng tăng: Washington nên nhượng bộ Tổng thống Nga Vladimir Putin ở mức nào - và liệu có bất kỳ nhượng bộ hợp lý nào đủ để nhà lãnh đạo Nga chịu lùi bước?
Bình luận 0
Căng thẳng Nga-Ukraine: Putin khiến Mỹ, NATO "đoán già đoán non" - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine mang theo một khẩu súng trường không giật trong một cuộc tập trận vào tháng 11/2016 gần Yavoriv, Ukraine. Ảnh Elizabeth Tarr/Stripes

Những câu hỏi đó sẽ là vấn đề hàng đầu đối với các quan chức Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ, những người đang trong giai đoạn đầu tổ chức các cuộc đàm phán với Nga về vấn đề Ukraine, NATO và môi trường an ninh châu Âu mà ông Putin nói là đe dọa đáng kể đối với Moscow. 

Các yêu cầu của Putin và việc liệu có nhượng bộ hay không, đều đang thử thách sự thống nhất của liên minh NATO gồm 30 quốc gia.

Một số nhà lãnh đạo, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Biden tin rằng việc nói chuyện với người Nga và đưa ra các biện pháp giải quyết những lo ngại của ông Putin có thể ngăn chặn một cuộc chiến mới ở châu Âu có thể nguy hiểm hơn nhiều so với chiến dịch năm 2014 của Nga ở Ukraine. 

Các quan chức khác lại tranh luận rằng Putin sẽ không bao giờ hài lòng nếu không thể đưa Kiev trở lại quỹ đạo của Nga và rằng nhà lãnh đạo Nga không nên có được bất cứ nhượng bộ nào vì hành vi đe dọa của ông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cuối tuần trước nhấn mạnh rằng ngay cả ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, các cuộc đàm phán vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính minh bạch và giảm căng thẳng. 

Sự quyết liệt của Nga khi huy động quân đội tới gần biên giới với Ukraine đã khiến Mỹ và các đồng minh phải "đoán già đoán non" về những gì Tổng thống Nga thực sự muốn hoặc chuẩn bị làm.

“Tất cả đều đồn đoán Putin đang suy tính điều gì trong đầu và điều gì sẽ khiến ông ấy hài lòng để lui quân. Không ai trên hành tinh này ngoài Putin biết câu trả lời cho câu hỏi đó”, Andrea Kendall-Taylor, một nhà phân tích về Nga tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết.

 “Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu. Chúng tôi thực sự cố gắng làm điều đó thông qua quá trình ngoại giao này. Chúng tôi đã nỗ lực một cách thiện chí", ông Andrea nói thêm.

Sau cuộc hội đàm trực tuyến của ông Biden với Putin hôm thứ Ba tuần trước, Moscow vẫn dùng những ngôn từ cứng rắn để nói về Ukraine và tiếp tục vận chuyển khí tài đến các địa điểm gần biên giới Ukraine.

Căng thẳng Nga-Ukraine: Putin khiến Mỹ, NATO "đoán già đoán non" - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden vừa có cuộc hội đàm trực tuyến về nhiều vấn đề bao gồm Ukraine tuần trước. Ảnh IT.

Đội Tình báo Xung đột, một nhóm giám sát quân đội Nga đã phát hiện ra pháo, xe tăng chiến đấu chủ lực và hệ thống phòng không Buk trên các chuyến tàu của Nga cách Ukraine không xa.

Putin và các cố vấn hàng đầu của ông đã nêu rõ một loạt các yêu cầu đối với Mỹ và phương Tây để hạ nhiệt căng thẳng. Trong cuộc điện đàm với ông Biden, ông Putin cho biết Nga muốn có những đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng, NATO sẽ không mở rộng về phía đông để cho phép Ukraine gia nhập liên minh hoặc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia giáp biên giới với Nga.

Ông Putin cũng cho biết Mỹ và các đồng minh đang phớt lờ ranh giới đỏ của Điện Kremlin bằng cách cho máy bay ném bom chiến lược đến gần Nga.

Về mặt lý thuyết, Mỹ và các đồng minh có thể đạt được một thỏa thuận hạn chế một số cuộc tập trận hoặc triển khai vũ khí gần biên giới của Nga, nhưng không rõ liệu điều đó có làm Putin hài lòng hay không. Một số nhà phân tích bày tỏ lo lắng rằng, nhà lãnh đạo Nga đang đưa ra yêu cầu mà ông biết rằng Washington sẽ từ chối và đây có thể là cái cớ để ông hành động quân sự với Ukraine.

“Tôi không thấy chúng tôi có thể cho họ những thú họ sẽ cảm thấy đủ so với yêu cầu của họ, và điều khiến tôi khó chịu là họ biết điều đó. Họ cũng không thể lùi bước khỏi cuộc khủng hoảng này mà không có được lợi ích cụ thể", Michael Kofman, một nhà phân tích quân sự người Nga tại nhóm nghiên cứu CNA có trụ sở tại Virginia (Mỹ) bình luận.

Trong khi đó, Eugene Rumer và Andrew S. Weiss, các nhà phân tích về Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết, Ukraine hiện là một trong những nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khi Điện Kremlin ngày càng coi Ukraine là "một hàng không mẫu hạm" của phương Tây đậu ngay đối diện Rostov - miền Nam nước Nga.

Theo đó, ông Rumer và Weiss lập luận rằng, việc đưa Ukraine trở lại dưới ảnh hưởng của Điện Kremlin là phần quan trọng nhất đối với Putin khi ông suy ngẫm về di sản của mình. Và mong muốn đó có thể làm phức tạp bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.

“Nếu đó là ưu tiên của ông ấy và là điều ông ấy muốn, thì tôi không nghĩ rằng có bất cứ điều gì mà chúng tôi có thể làm để giảm bớt mối quan tâm của ông ấy. Điều đó đưa chúng tôi trở lại điểm mà chúng tôi bắt đầu. Mối đe dọa quân sự vẫn thực sự ở đó", nhà phân tích Kendall-Taylor bình luận.

Mỹ đang nỗ lực xây dựng đòn bẩy của riêng mình, tập hợp các đồng minh châu Âu nhất trí về một gói các biện pháp kinh tế khắc nghiệt sẽ được áp dụng để chống lại Nga nếu ông Putin quyết tiến hành một cuộc tấn công.

Nhà Trắng cho biết, ông Biden cũng đã để cập đến một số hậu quả nếu Nga tấn công Ukraine trong cuộc gặp trực tuyến với Putin, nhấn mạnh rằng các hình phạt sẽ khắc nghiệt hơn những gì đã xảy ra vào năm 2014.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem